top of page

#19. Mô hình chơi phát triển (Phần 1)

Ai cũng biết chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ. Nhưng chơi không phải là do rảnh hay đơn thuần chỉ là hoạt động giải trí. Chơi là CƠ HỘI để trẻ học và phát triển. Tất cả các phương pháp giáo dục tiên tiến đều đưa hoạt động chơi vào quá trình học tập của trẻ, từ Montessori, Steiner hay STEM.


Nhưng không có nghĩa cứ thả đứa trẻ một mình tự do chơi thì trẻ sẽ phát triển – rất cần sự hiểu biết và hướng dẫn của cha mẹ để các hoạt động chơi giúp trẻ phát triển toàn diện. Các chuyên gia đưa ra mô hình chơi phát triển có 4 cấp độ tương ứng với 4 giai đoạn phát triển của trẻ. Bản tin Parent Connect sẽ giới thiệu với bố mẹ lần lượt về từng cấp độ của Mô hình chơi phát triển này và những hướng dẫn dành cho cha mẹ.


Parent Connect 19

Một cách tổng quan, nếu nhìn vào mô hình này chúng ta có thể thấy một số điểm như sau:

  1. Ở cấp độ 1, khi trẻ mới sinh đến 18 tháng thời gian chơi sẽ nhiều nhất bởi chưa có các nhu cầu học hành hay thực hiện các quy đinh, kỷ luật v.v… Trẻ càng lớn lên, thời gian chơi sẽ càng thu hẹp lại để nhường chỗ cho nhiều hoạt động khác như học hành, giúp việc nhà, trách nhiệm với đoàn thể, xã hội … Điều đó có nghĩa là càng lớn trẻ càng có ít cơ hội được chơi và nếu khi còn nhỏ trẻ bị ngăn cấm, hạn chế chơi thì các cơ hội phát triển thông qua chơi đã bị bỏ lỡ. Ví dụ những đứa trẻ bị cấm nghịch thức ăn sẽ ghét chuyện ăn uống, những em bé được vuốt ve con vật sẽ hình thành tính trách nhiệm, trẻ bị mắng khi chơi phá cách sẽ thiếu tự tin, không thích sáng tạo… Vì vậy cha mẹ đừng tước mất của con những cơ hội vàng như vậy nhé !

  2. Ở mỗi một giai đoạn trẻ có những đặc điểm phát triển về cơ thể, về nhận thức và tâm lý khác nhau nên các đặc điểm chơi cũng cần phải tương ứng để phù hợp với sự phát triển đó. Như việc chơi game lên level vậy, các hoạt động chơi ở mỗi bậc lại giúp trẻ trưởng thành hơn, hiểu hơn về bản thân mình và thế giới xung quanh. Bởi vậy tốt nhất là cha mẹ hãy hỗ trợ trẻ chơi theo các cấp độ đó để trẻ phát huy tối đa cơ hội học tập và phát triển. Có thể thấy những trẻ 9-10 tuổi khi đi chữa tự kỷ lại phải quay lại các bài học với những trò chơi về vận động và cảm giác.

  3. Như một hình kim tự tháp vững chắc, 4 cấp độ này không nên hoán đổi các vị trí sẽ dẫn đến sự chông chênh, sụp đổ. Chúng ta không thể đòi hỏi trẻ đang tập nói đã phải chơi sáng tạo hay trẻ vị thành niên lại phải team building bằng những trò chơi xúc giác. Đặc biệt, cha mẹ đừng quan niệm rằng cứ để trẻ lớn lên rồi chúng sẽ học được hết, hiểu được hết, còn khi bé cứ hạn chế để trẻ an toàn, ngoan ngoãn là được. Biết bao người 40-50 tuổi vẫn sống hời hợt, không hiểu được cảm xúc của người khác, không dám tự chịu trách nhiệm, không thể giải quyết được khó khăn của mình v.v… Kim tự tháp lộn ngược sẽ rất khó đứng vững đúng không nào?


Mời các bạn tiếp tục theo dõi Bản tin Parent Connect tuần sau với bài giới thiệu Cấp độ đầu tiên trong Mô hình chơi phát triển – chơi bằng giác quan cơ thể, rất cần cho những cha mẹ có con nhỏ (mới sinh đến 18 tháng tuổi). Mời các bạn đón đọc nhé.


bottom of page