Tôi có rất nhiều bạn bè là những bố mẹ trẻ. Họ phần lớn là du học ở Tây về và đủ hiểu biết để nhận thức được rằng chơi với con là cần thiết. Không tính đến những cha mẹ bận rộn quá rất ít thời gian chơi với con (chủ yếu con chơi với ô-sin) thì hầu hết số còn lại đều thú nhận rằng chơi với con thực ra chỉ là thời gian họ trông con và đứa trẻ càng lớn lên thì cha mẹ lại càng không biết phải chơi với con như thế nào vì lúc đó đứa trẻ đâu cần phải trông chừng nữa.
Thật không dễ để một ông bố 30 tuổi biết cách chơi với một đứa trẻ 3 tuổi. Làm sao để đứa trẻ thấy hấp dẫn, thích thú khi chơi với bố và, ngược lại, người lớn cũng tận hưởng được niềm vui chơi cùng con. Biết cách chơi với con không chỉ giúp trẻ phát triển lành mạnh mà còn gia tăng sự kết nối giữa cha mẹ và con cái, đồng thời cũng giúp người lớn chúng ta “sạc” năng lượng khi được thư giãn, vui vẻ và cảm thấy hạnh phúc bên con cái, gia đình.
Nếu bạn muốn dành thời gian chất lượng cho con. Nếu bạn chưa biết phải làm thế nào để hào hứng “ú òa” với một đứa trẻ lên ba. Nếu những rào cản nào đó khiến bạn không thể tận hưởng được niềm vui hồn nhiên khi chơi với con. Hãy học cách chơi cùng con và nội dung dưới đây sẽ là những gợi ý hữu ích cho bạn.
Hãy đáp lại lời mời của bé
Có rất nhiều cách trẻ muốn mời gọi cha mẹ chơi cùng mà chúng ta có thể không nhận ra: trẻ nhỏ sẽ gừ gừ trong mồm để gọi, để được trò chuyện; trẻ lớn hơn sẽ mang đồ chơi tới trước mặt bố mẹ rủ chơi hoặc cũng có thể tức giận quẳng đồ chơi đi và cáu giận. Bạn sẽ không nhận ra mong đợi của bé nếu bạn không thực sự chú tâm tới trẻ. Bạn đã bao giờ nghe thấy con hỏi mình những câu hỏi dưới đây? Đáp lại bạn đã làm gì với lời mời gọi ấy?
Mẹ ơi, cái ô tô này không đi được
Mẹ ơi, mẹ làm máy tính à?
Mẹ ơi cái gì đây?
Con không chơi cái này đâu
Mẹ đang làm gì đấy?
Mẹ có thích cái ô tô này không mẹ?
Rất nhiều bố/mẹ nhận ra nhưng lại không đáp ứng mong đợi ấy của đứa trẻ. Hoặc là chúng ta cho rằng trò chơi của con nít không đáng để ý hoặc chúng ta nghĩ rằng đứa trẻ con chưa đủ lớn để biết buồn, biết thất vọng khi lời mời không được đáp ứng. Đó là một sai lầm tệ hại ! Người lớn chúng ta có vô vàn sự lựa chọn (công việc, bạn bè, giải trí, du lịch …) nhưng đứa trẻ 3 tuổi có lựa chọn nào không? Nếu không phải là tìm đến bố mẹ hay người chăm sóc thì chúng biết tìm đến ai? Vì vậy ít nhất bạn hãy dành cho bé dù chỉ là một ánh mắt nhìn, một câu đáp lại và hãy giải thích với con nếu thực sự ngay lúc đó bạn không thể chơi cùng bé.
Để mẹ xem nào, cái ô tô này bị hỏng máy hay hết xăng nhỉ?
Con mang lại đây cho mẹ xem nào
Sao thế con, con cần mẹ giúp không?
Mẹ đang làm việc nhưng có thể sửa giúp con đấy. Con cần gì nào?
Mẹ rất thích cái ô tô này nhưng phải một lúc nữa mẹ mới chơi với nó được
Dành thời gian chất lượng
Không nhất thiết bạn phải đưa trẻ đến công viên, đến nhà bóng hay cửa hàng đồ chơi. Ở đâu cũng được nhưng điều quan trọng là bạn dành sự chú tâm để chơi cùng với con. Thời gian dài ngắn không quan trọng – quan trọng là bạn và con đã có thời gian thực sự vui vẻ và thoải mái bên nhau. Hãy trả lời những câu hỏi sau để xem thời gian của bạn dành cho con chất lượng hay không nhé.
Bạn có sử dụng điện thoại, máy tính bảng hay xem TV khi đang chơi với con không?
Bạn là người trông chừng bé chơi/người quan sát trẻ chơi hay người chơi cùng bé?
Bạn tham gia chơi một phần hay toàn bộ trò chơi với bé?
Bạn có đóng vai trò nào trong trò chơi đó không?
Bạn có nhận ra bé thích nhất chỗ nào? Chỗ nào bé chưa biết chơi?
Bạn có giải thích, tán thưởng, động viên với bé không?
Bạn có thấy điều gì thú vị trong lúc chơi với con không?
Bé thích nhất điều gì cha/mẹ đã làm trong trò chơi này?
Bạn có giúp trẻ khám phá ra được điều gì mới mẻ thực hiện được một kỹ năng mới nào không?
Hãy để trẻ dẫn dắt
Bản tính của trẻ con là tò mò, thích khám phá. Cha mẹ biết cách chơi với trẻ sẽ không áp đặt bởi điều đó khiến trẻ mất động lực, nhanh chán. Thay vì chỉ dẫn và giải thích ngay từ đầu bạn hãy quan sát và chờ đợi. Bé có thể sẽ loay hoay không mở được cái hộp, sẽ xếp hình lộn ngược khiến chồng gỗ mãi không đứng được, sẽ có thể bé tô lá mầu đỏ còn hoa màu xanh v.v… không sao cả. Nhiệm vụ của bạn là hãy trở thành một khán giả thật chăm chú và làm theo những gì bé muốn bạn làm.
Thường thì cha mẹ sẽ hay sốt ruột và mất kiên nhẫn. Tuy vậy bạn đừng giục giã con, đừng nhắc nhở, khó chịu với con. Sự sốt ruột của bạn không những làm cho bé lúng túng, sợ hãi, mất tự tin mà còn làm bầu không khí vui chơi không còn thoải mái và hào hứng nữa. Hãy tỏ ra tò mò với những gì trẻ đang dẫn dắt:
Chắc trong này có cái gì đó đặc biệt lắm nên mới có âm thanh hay như vậy?
Thuyền mắc cạn rồi thì thuyền trưởng sẽ phải nghĩ cách đúng không nào?
Con dẫn mẹ đi nhé, mẹ nghĩ là chúng ta sẽ tìm thấy đường ra?
Lát nữa mẹ có thể sờ nó được chứ?
Mình chờ xem cái này nó mở ra sẽ hay lắm nhỉ
Trẻ sẽ càng hứng thú hơn khi cha mẹ biết cách khích lệ trẻ khám phá. Hãy động viên con vượt qua những bế tắc, những thao tác khó, những chỗ cần sự kiên trì hay sáng tạo. Có cha mẹ bên cạnh cổ vũ trẻ sẽ có thêm sự tự tin, sự can đảm và động lực để cố gắng. Đây chính là cơ hội để bạn rèn cho con ý chí và quyết tâm vượt qua khó khăn. Thay vì chê bai, phê phán hay tỏ ra thất vọng bạn hãy khích lệ:
Con thử đẩy mạnh hơn một tý nữa xem sao
Nếu mở được cái hộp này thì trong đó có gì nhỉ?
Quả bóng này có thể nảy cao đến cái rổ kia không?
Nếu cho nước vào quả bóng bay thì sao nhỉ?
Cái gì kêu ở bên trong vậy, mình có mở để xem được không?
Tỏ ra thích thú
Hãy đừng chỉ là một người trông chừng trẻ khi chơi vì như vậy bạn vừa đánh mất sự hứng khởi ở đứa trẻ và cũng bỏ lỡ đi cơ hội tạo niềm vui thực sự cho chính mình. Thay vì lướt điện thoại hay xem TV, tại sao bạn không cửi cái áo vest đi làm ra và hãy cùng đua ô tô trên sàn với bé, cùng chui xuống gầm giường để chơi trốn tìm hay cùng té nước với con trong nhà tắm. Sự nhiệt tình của bạn còn quý giá hơn rất nhiều những đồ chơi đắt tiền hay trung tâm nhà bóng sang trọng. Hãy tham khảo những cách thức sau để bạn có được sự thích thú khi chơi với trẻ:
Bày tỏ sự ngạc nhiên: oh sao con có thể xếp hình cao thế mà không đổ nhỉ
Thể hiện sự tò mò: cái gì ở trong này phát ra tiếng nhạc hay thế nhỉ
Tâm thế thật vô tư: mẹ mở cái này được không? Bố sẽ thử ném quả bóng này nhé?
Bộc lộ mình một cách hồn nhiên: con gấu này êm quá mẹ sẽ ngủ với gấu nhé; bố xếp cái hình lên đây mà nó cứ đổ phải làm sao nhỉ?; mẹ con mình sẽ thử xem ai chạy nhanh hơn nhé …
Bắt chước những hành động, lời nói đặc biệt của trẻ khi thích thú như cùng trồng cây chuối, cùng bò đi khắp nhà, cùng thổi bong bóng hay cùng té nước với trẻ.
Biết cách chơi với trẻ sẽ giúp bạn nhìn thế giới trẻ thơ với tất cả sự hồn nhiên, trong trẻo. Bạn sẽ cảm nhận được niềm vui sướng từ những điều rất nhỏ bé, giản dị. Hơn thế nữa chơi với trẻ đúng cách bạn sẽ giúp con học tập, khám phá và phát triển một cách lành mạnh. Chúng tôi mong sớm gửi tới bạn một chương trình huấn luyện mang tên “Playful Parent” để chia sẻ đầy đủ hơn về kỹ năng này cho cha mẹ.
Komentáře