top of page

#20. Chơi bằng giác quan cơ thể - hoạt động quan trọng cho trẻ từ 0 đến 18 tháng tuổi

Mô hình chơi phát triển - Phần 2 Xem thêm Mô hình chơi phát triển - Phần 1


Theo các nhà khoa học, chúng ta không chỉ có 5 giác quan đâu mà có đến 18 giác quan trên cơ thể con người. Giác quan là cơ quan tiếp nhận thông tin đầu vào và chuyển đến bộ não để giải mã rồi ra “hiệu lệnh” để cơ thể hành động. Như khi nghe tiếng còi xe ta biết tránh đường vào bên phải, khi ngửi thấy mùi thức ăn thì có cảm giác đói, một em bé chưa biết nói nhưng biết chỉ chỗ mình ướt, biết ngứa ở đâu, mỏi ở chỗ nào … Do vậy một đứa trẻ được “làm việc” nhiều với giác quan cơ thể sẽ phát triển tốt hệ thần kinh, nhận thức, cảm xúc, vận động v.v… Trong khi đó những em bé tự kỷ hay tăng động giảm chú ý chính là bị rối loạn cảm giác cơ thể.


Parent Connect 20

Trẻ mới sinh đến tuổi tập đi là giai đoạn hệ thần kinh phát triển mạnh mẽ nhất. Chơi bằng giác quan cơ thể giúp kích thích não bộ phát triển và tạo nền tảng cho phát triển nhận thức, vận động và cả cảm xúc, ngôn ngữ của trẻ sau này. Trẻ chơi và khám phá thế giới xung quanh bằng các hoạt động sờ, nghe, nhìn, ngửi, nếm, cảm nhận cơ thể và giữ thăng bằng. Liệu trẻ học được gì qua các hoạt động chơi này?

  • Ngửi giúp em bé mới sinh có thể nhận ra mùi của mẹ

  • Sờ bột, cát hay nước sẽ giúp trẻ cảm nhận được thế nào là lỏng hay đặc, mịn màng hay thô ráp

  • Nghe tiếng hát ru trẻ thấy êm ái muốn ngủ, nghe tiếng xúc xắc trẻ thấy rộn ràng muốn chơi

  • Chơi cầu trượt cho trẻ làm quen với tốc độ

  • Chơi bập bênh giúp trẻ hiểu được độ cao  

  • Được cầm lấy thức ăn cho cảm giác rất khác khi người lớn đút cho ăn

  • Được giẫm chân trên vũng nước vui hơn rất nhiều là ngồi im trong chậu tắm

  • Những cảm nhận đó được nuôi dưỡng trong tâm trí giúp hình thành ngôn ngữ

  • Cái cầm tay, ánh mắt nhìn và nghe giọng nói của nhau sẽ nuôi dưỡng trí tuệ cảm xúc, kỹ năng giao tiếp xã hội …


Thế nhưng các cơ hội đang bị bỏ lỡ khi:

  • Trẻ nhỏ sẽ phải quấn tã thật chặt và suốt ngày nằm trong phòng

  • Coi trẻ mới sinh còn quá bé chưa biết chơi nên chỉ tập trung cho ăn, ngủ và vệ sinh

  • Ít bà mẹ/ông bố nói chuyện, hát với trẻ nhỏ vì coi bé chưa biết nói, chưa cảm nhận được gì

  • Cha mẹ Việt không thích cho trẻ cầm đồ ăn sợ bẩn, hóc và vứt đi lãng phí

  • Ít cha mẹ cho trẻ được vầy bột, cát hay nghịch nước vì ngại bừa bộn, sợ mất vệ sinh, ốm

  • Nhiều cha mẹ cho trẻ ra ngoài trời, bãi cỏ, sân chơi nhưng lại bế khư khư trên tay, trên nôi

  • Hay mắng và và đánh vào tay trẻ mỗi khi trẻ cho cái gì đó lên mồm

  • Ít khuyến khích trẻ nhìn và quan sát sự vật xung quanh

  • Thường ngăn cấm những trò chơi tạo cảm giác như đổ nước từ trên đầu, chạy chân đất, lăn từ trên dốc xuống, đi thăng bằng …


Vậy cha mẹ nên làm gì? Cha mẹ cần tạo ra những không gian an toàn để trẻ khám các trò chơi với giác quan cơ thể. Trẻ từ 1 đến 18 tháng còn nhỏ nên rất cần cha mẹ trở thành những bạn chơi để hướng dẫn, khích lệ, tương tác và gợi mở giúp trẻ chơi an toàn, phù hợp mà không sợ khám phá những điều mới mẻ. Có những loại hình hoạt động chơi với cảm giác cơ thể như sau:


Trò chơi xúc giác: cho trẻ được dùng tay khám phá các đồ vật để cảm nhận được con gấu bông mềm mại, cốc nước ấm hay áp lực của vòi nước chảy trên tay v.v… Hãy cho trẻ được chơi với bột, xà phòng, cát, đất nặn và hãy cho phép trẻ được trộn các vật liệu vào với nhau để có thêm những trải nghiệm mới. Cha/mẹ hãy giúp trẻ nói lên những cảm giác của mình để trẻ nhận biết như: gấu êm quá, nước mát không, cát mịn chưa này …; hãy dùng những câu khích lệ để trẻ không sợ và có động lực khám phá: ngọn nến sáng đẹp chưa, con hãy thổi nhẹ cho ngọn nến nhảy múa nào; bà đang muốn ăn bánh hai mẹ con mình nặn bánh để tặng bà nhé …


Trò chơi thính giác: trẻ nhỏ hãy bắt đầu làm quen với những âm thanh từ giọng nói của cha mẹ như hát ru, trò chuyện, vỗ tay để trẻ cảm thấy yên tâm và thoải mái. Dần dần cho trẻ nghe các âm thanh khác nhau như các nhạc cụ, tiếng gõ, xúc xắc và cả tiếng phát âm các chữ cái … Cần lưu ý có những trẻ thích âm nhạc nhưng có trẻ lại rất ghét. Có bé thích nghe hát ru để ngủ nhưng có bé sợ hát ru. Cha mẹ cần hiểu bé và từ từ tiếp cận.


Trò chơi thị giác: có trẻ khi nhìn thấy mầu sắc là hết quấy khóc, thích tranh ảnh, thích các mảng màu sắc và hoa văn. Thường trẻ nhỏ sẽ bị cuốn hút bởi các bức tranh mầu sắc nhưng cha mẹ cũng nên cho bé được ngắm nhìn bông hoa nở trong vườn, hãy chỉ cho con những chiếc ô tô nhiều mầu sắc trên đường, cho trẻ được dùng tay trộn và tô màu. Hãy cùng con chơi những trò chơi trong bóng tối, cùng thổi nến, xem pháo hoa v.v… Biết đâu con bạn lại là một họa sĩ trong tương ai với những khả năng kỳ diệu về mầu sắc.


Trò chơi khứu giác và vị giác: trẻ trước giai đoạn biết bò hay có thói quen đưa mọi thứ lên mồm để khám phá. Hãy cho trẻ những đồ chơi được giặt/rửa sạch để gặm, những thức ăn đảm bảo an toàn để trẻ nếm, hãy tạo điều kiện để trẻ được ngửi một bông hoa, mùi quế, cà phê v.v… Cha mẹ có thể giải thích cho trẻ về sự an toàn, vệ sinh nhưng không nên đánh, mắng hay giật đi những thứ mà trẻ đang khám phá.


Trò chơi cảm nhận về cơ thể: đá bóng, xích đu, leo bậc thang … là những hoạt động giúp trẻ nhận thức rõ ràng hơn về các bộ phận trên cơ thể của mình. Đá bóng phải vững đôi chân, xích đu cần vững đôi tay, đạp xe cần kết hợp cả tay, chân và mắt v.v… Trẻ tự kỷ có những triệu chứng rối loạn cảm giác cơ thể như vụng về (hay làm đổ vỡ), không kiểm soát được vận động (mạnh quá, yếu quá) hoặc khó phối hợp tay với chân (khó chơi được các môn thể thao, chỉ thích các trò chơi tưởng tượng) … Cảm nhận về cơ thể là hết sức quan trọng, đặc biệt cha mẹ hãy lưu ý với các bé trong độ tuổi tập bò, tập đi – cảm nhận tốt về cơ thể khiến trẻ biết đi nhanh và vững. Làm chủ được vận động cơ thể sẽ giúp trẻ ít bị ngã, trở nên tự tin hơn, thích thú hơn khi có thể tham gia các trò chơi khác nhau … Đây chính là cơ sở để trẻ ở giai đoạn sau thích hòa nhập với bạn bè, không ngại các môn thể thao vận động.


Trò chơi thăng bằng: thực chất là hoạt động liên quan đến hệ thống tiền đình, nằm ở tai trong và xử lý mối quan hệ của cơ thể với trái đất. Nó cho chúng ta biết liệu chúng ta đang ngã, nghiên về phía trước hay đang đứng yên trên mặt đất. Em bé từ tư thế nằm khi mới sinh đến lẫy, bò, ngồi và đứng lên để đi là quá trình phát triển nhận thức về không gian rất khác nhau. Trẻ cần khám phá cảm giác này để biết được vị trí của cơ thể, kiểm soát được vận động phù hợp, đảm bảo an toàn mà vẫn khám phá và trải nghiệm không gian xung quanh ở những góc độ khác nhau. Vì vậy trẻ nhỏ rất tự nhiên thích chơi đu quay, thích được bố cho lượn như tàu bay, thích lộn ngược để nhìn đồ đạc trong phòng … Cha mẹ hãy chuẩn bị những không gian an toàn, những thiết bị bảo vệ cho trẻ để chơi những trò chơi thăng bằng nhé.     

Comments


bottom of page