Mình vẫn rất nhớ những năm đi học, dù ở cấp học nào, học sinh trong lớp cũng thường chia ra thành 2 nhóm: một bên là những đứa hiếu động, khôn lanh, chịu chơi và bên kia toàn bọn hiền lành, ít nói, chỉ thủ thỉ với nhau, ít đàn đúm chơi bời. Rất ít những đứa trẻ có thể thoải mái chơi thân với cả 2 nhóm. Vậy là bố mẹ người thì lo con chơi bời, chểnh mảng học hành – kẻ thì lo con mình “gà tây” chả biết giao du bạn bè. Trên thực tế ngay từ khi đi mẫu giáo trẻ đã có những áp lực bạn bè và ở mỗi giai đoạn phát triển trẻ lại có những nỗi lo về bạn bè khác nhau. Chưa kể có những đứa trẻ rất dễ kết bạn nhưng cũng có những đứa trẻ rất khó kết bạn.
Đây không chỉ là vấn đề chơi bời của trẻ con như nhiều người lớn vẫn nghĩ mà thực sự nó ảnh hưởng ghê gớm đến sự tự tin của đứa trẻ, quyết định đến chất lượng học tập, tác động đến sức khỏe tinh thần của các em. Nó có thể để lại những “di chứng” nặng nề sau này như những tổn thương gây ra trong quan hệ bạn bè, sự tự ti và thậm chí là tự kỷ, thiếu kỹ năng trong giao tiếp, không biết thông cảm và chấp nhận sự khác biệt … dẫn đến khó hợp tác và teamwork kém. Hậu quả là những người như vậy thường khó thành công trong công việc mà cuộc sống cũng thường cô đơn và không viên mãn.
Cũng như khi chăm một cái cây, nếu việc chơi với bạn của trẻ được cha mẹ quan tâm từ bé và đặc biệt những lúc gặp khó khăn, khủng hoảng trẻ có được sự trợ giúp, hướng dẫn của người lớn thì trẻ sẽ có những quan hệ bạn bè tích cực. Chính cha mẹ là những người có thể giúp trẻ vượt qua những khó khăn, áp lực của bạn bè, hình thành từ bé những kỹ năng để trẻ dễ dàng kết bạn, chơi với bạn và biết cách vượt qua những vấn đề trong tình bạn.
Từ 1 -2 tuổi: trẻ còn quá nhỏ để tự kết bạn nên chủ yếu là do người lớn tụ tập và những đứa trẻ sẽ ngẫu nhiên được chơi với nhau. Mặc dù lứa tuổi này phần lớn là trẻ chơi song song – tức là chơi một mình đồng thời nhìn bạn chơi ngồi bên cạnh để quan sát, học hỏi và có thể giao lưu tý chút. Trẻ nhỏ chơi có thể dẫn đến tranh giành đồ chơi và vô tình làm đau nhau nhưng trẻ cũng dễ quên và dễ chơi trở lại. Điều đáng lưu ý là người lớn cần có sự vỗ về, giúp trẻ giải tỏa ngay sau mỗi lần trẻ có xung đột với bạn để bé có thể xua đi sự sợ hãi hay tức giận. Người lớn cũng cần giúp trẻ hiểu rằng không hài lòng khi chơi với bạn không có nghĩa là được đánh bạn hay gào thét – để trẻ không lặp lại thói quen xấu đó mỗi lần không vừa ý.
Từ 3-7 tuổi: trẻ sẽ hồ hởi với những người bạn mới ở trường, ở lớp, đã bắt đầu chơi với một vài bạn này thân hơn bạn kia mặc dù chủ yếu là do cùng đồng thuận về một trò chơi nào đó chứ chưa có khái niệm về bạn thân. Ở lứa tuổi này trẻ dễ gặp phải những tình huống mâu thuẫn do không hiểu luật chơi, chưa biết cách hợp tác với bạn hoặc đôi khi do không kiểm soát được mong muốn cá nhân … Cậu con mình khi mới 4,5 tuổi luôn biết bày trò chơi mới để thu hút các bạn chơi với mình nhưng lại biết “ma lanh” để tìm cách thắng các bạn vì thế rất hay bị các bạn phản đối và thậm chí là tẩy chay. Mình nhận thấy mỗi khi bị các bạn gạt ra ngoài cuộc chơi thằng bé rất cô đơn – nó nhìn bạn chơi một cách thèm thuồng và cố gắng bày ra những trò chơi mới để nỗ lực thu hút bạn chơi cùng. Nhưng rồi chỉ chơi một lúc là nó lại khiến các bạn la ó vì không tuân thủ luật chơi. Vấn đề của cậu ấy là muốn mọi người chú ý đến mình, muốn mọi người ghi nhận mình nhưng cuối cùng lại làm cho mọi người tẩy chay. Không chỉ giải thích với cậu vì sao cần có luật chơi, nhấn mạnh niềm vui với bạn bè quan trọng hơn thắng thua mà chính mẹ cũng phải chơi cùng để giúp bạn ấy kiên nhẫn kiểm soát thói quen “phá rào” của mình.
Từ 11-16 tuổi: trẻ bắt đầu tìm kiếm sự hòa hợp về quan điểm, tính cách, cảm xúc, tình cảm để kết bạn thay vì chỉ cùng chung sở thích, mối quan tâm. Lứa tuổi này, bạn bè trở nên vô cùng quan trọng bởi tình bạn giúp trẻ cân bằng với mối quan hệ gia đình đã trở nên tách rời hơn trước và giúp trẻ xác định được giá trị của bản thân để khẳng định sự trưởng thành, độc lập của tuổi vị thành niên. Hơn lúc nào hết đây là lứa tuổi mà bạn bè có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Chính vì thế nên trẻ cũng có nhiều áp lực và nỗi lo về bạn bè: làm sao để hòa đồng được với các bạn, điều gì khiến mình trở nên cuốn hút, làm thế nào để không làm bạn hiểu lầm, mình cần thay đổi điều gì để phù hợp với nhóm bạn hay không v.v… Chưa kể là lứa tuổi vị thành niên bắt đầu quan tâm đến những hình mẫu, thần tượng và kể cả có cảm tình với ai đó. Trẻ sẽ băn khoăn về bản thân, trăn trở về bạn bè, kỳ vọng và trông đợi nhiều khi kết bạn. Những xung đột với cha mẹ, những bất hòa trong gia đình ở giai đoạn này sẽ đẩy trẻ ra xa và trẻ càng mong đợi nhiều ở bạn bè để được sẻ chia, được an ủi. Những hiểu lầm và rạn nứt trong quan hệ bạn bè lúc này sẽ khiến trẻ như không còn nơi bấu víu, nương tựa. Nhiều câu chuyện thương tâm, nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra khi cha mẹ không để ý, không nhận ra và không kịp thời giúp trẻ vượt qua những áp lực này.
Comments