top of page

#3. Cách cha mẹ hỗ trợ trẻ chơi hiệu quả

Updated: Dec 4, 2023

Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ rất cần cha mẹ hỗ trợ để việc chơi diễn ra an toàn, vui vẻ và trẻ học hỏi, trải nghiệm được nhiều điều bổ ích. Thay vì cấm đoán hay cho trẻ một số đồ chơi áp đặt hoặc để trẻ tự chơi, cha mẹ hãy là người hỗ trợ trẻ trước – trong – sau quá trình chơi của trẻ.

Ảnh: Freepik

Một số gợi ý như sau:


1. Hãy tạo không gian chơi cho trẻ:


Cũng giống như người lớn chúng ta thích được ngủ trên 1 chiếc giường êm ái trong phòng ngủ hơn là vạ vật trên 1 chiếc đi-văng ở phòng khách. Trẻ em cũng vậy, chúng cũng thích được đến nhà bóng hơn là chơi ở sàn bếp hay phòng khách. Hãy cho trẻ 1 không gian dù nhỏ nhưng thực sự là nơi trẻ được chơi, không bị xao nhãng bởi các hoạt động khác (người lớn nấu nướng, dọn dẹp, tiếp khách, làm việc …) và cũng không bị người lớn nhắc nhở vì đã bầy bừa ra chỗ không phải là để chơi.


Một không gian phù hợp để đảm bảo an toàn cho trẻ chơi, giúp trẻ không xảy ra các tai nạn đáng tiếc như góc bàn, phích nước sôi, ổ và dây điện v.v… Hơn thế, trẻ được chơi trong tâm thế thoải mái vì không bị người lớn nhăc nhở “ổ điện đấy”, “vỡ cốc chén bây giờ”, “tránh xa cái phích ra” … Thật khó mà tập trung và tận hưởng trò chơi nếu bạn cứ bị chen ngang những câu như vậy đúng không nào?


Cũng giống như người lớn chúng ta khi làm việc muốn có nơi yên tĩnh, khi đi du lịch cũng không muốn bị công việc quấy rầy. Trẻ em cũng vậy, khi chơi (tức là khi trẻ làm việc đấy) trẻ cần được tập trung vào trò chơi/đồ chơi để tìm hiểu, khám phá và sáng tạo nó. Nhiều trẻ em Việt Nam chơi ở phòng khách trong tiếng TV liên tục cuốn hút bởi quảng cáo, âm thanh, hình ảnh sẽ khiến trẻ bị phân tán và không hiệu quả. Trẻ chơi ở phòng ăn, nơi có người lớn ăn uống, trò chuyện cũng khiến trẻ khó tập trung và với trẻ nhỏ sẽ nhanh mệt.


Hãy dành 1 không gian an toàn, trẻ được phép bầy các đồ chơi và chơi theo cách của mình. Cha mẹ hãy tắt TV, người lớn cần dành trọn vẹn không gian này để trẻ chơi mà không bị cắt ngang, phân tán hay lo ngại bị nhắc nhở.


2. Hướng dẫn và khích lệ trẻ khám phá


Cha mẹ Việt thường có 2 xu hướng: hoặc là kệ trẻ tự tìm cách chơi hoặc là làm hộ hết để con bắt chước. Cả 2 cách này đều không tốt bởi trẻ có thể vẫn tìm cách để chơi được nhưng không được hướng dẫn về chức năng, kết cấu của đồ chơi nên sẽ không khám phá hết giá trị của nó, không được người lớn giúp lường trước những rủi ro mất an toàn.


Hướng dẫn trẻ chơi không có nghĩa là đọc tờ hướng dẫn cho trẻ hay ngồi giảng giải cho trẻ. Trẻ đang háo hức với đồ chơi mới/trò chơi mới nên chỉ những hướng dẫn khơi gợi trí tò mò, khích lệ sự khám phá mới thu hút được sự chú ý của trẻ. Thay vì nói với con các hướng dẫn a,b,c,d thì cha mẹ hãy đưa ra các câu hỏi mở: cái này để làm gì nào? nó có chạy được không nhỉ? mình có mở được ra để xem bên trong nó có gì không nhé? …


Với cách hướng dẫn như vậy, cha mẹ không chỉ thu hút sự chú ý của con đến cách thức chơi, khám phá và bảo vệ đồ chơi mà còn tạo một tâm thế tò mò, hứng khởi cho trẻ bước vào trò chơi, phát huy óc sáng tạo của trẻ. Những trải nghiệm ban đầu như thế đã khiến trẻ thật thích thú và hạnh phúc ngay cả khi chưa bắt đầu chơi.


3. Hỗ trợ trẻ chơi an toàn, hiệu quả:


Sự mất an toàn có thể xảy ra theo 2 cách: hoặc là do trẻ chưa được hướng dẫn đầy đủ về cách chơi hoặc là khi chơi trẻ dễ vượt quá giới hạn do tò mò, hiếu động và chưa biết cách tương tác với bạn chơi. Để tránh những rủi ro này cha mẹ không có cách nào khác là hãy dành thời gian để đồng hành cùng con, ít nhất là khi trẻ mới chơi lần đầu. Hãy hướng dẫn, quan sát và hỗ trợ trẻ khi cần thiết trong suốt quá trình chơi.


Một số cách thức mà cha mẹ có thể hỗ trợ con khi đang chơi:

  • Hãy khích lệ trẻ có những tìm tòi, khám phá trong quá trình chơi.

  • Kết nối trẻ với bạn chơi một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, đừng áp đặt

  • Giúp trẻ học cách chơi & tương tác với người khác như luật chơi, đến lượt, nhường nhau, xin lỗi, cảm ơn …

  • Kiểm soát để trẻ không chơi thái quá dẫn đến mất an toàn hoặc quá mệt (nhất là với trẻ nhỏ)

  • Biết cách giúp trẻ dừng lại mà không làm trẻ mất hứng, khó chịu.

  • Hướng dẫn trẻ thu xếp và dọn đồ chơi





Comments


bottom of page