top of page

#15. Câu chuyện làm cha mẹ tách rời

Mình là người mà 15 năm trước theo đuổi phong cách làm cha mẹ gắn bó và đến hôm nay lại đang vật vã để làm cha mẹ tách rời. Điều mình nhận ra là trong khi bọn trẻ con lớn lên và trưởng thành mỗi ngày thì chính mình lại vẫn giẫm chân tại chỗ. Từ sự háo hức đón đứa con đầu lòng cho đến khi hân hoan nhìn con tốt nghiệp đại học, cái cách chúng ta yêu con, chăm con và dạy con hầu như không thay đổi. Chúng ta vẫn muốn ôm nó như một đứa trẻ, vẫn muốn nó ở trong tầm mắt của chúng ta, vẫn khó chịu khi chúng có làm gì đó không đúng ý của mình v.v… Thật khó để chấp nhận rằng chúng ta không còn quan trọng với trẻ như khi trẻ còn thơ bé nữa. Vậy nên mới có nhiều câu chuyện cười kiểu mẹ chồng ghen với con dâu, bà tranh giành ảnh hưởng với cháu. Kết cục là những tổn thương, mệt mỏi và thậm chí bi kịch cho cả gia đình.


Parent Connect 15

Vậy tại sao tách rời lại khó khăn đến như vậy? Điều gì khiến chúng ta một mặt muốn con cái trưởng thành, tự lập nhưng mặt khác lại không chịu “buông” chúng nó ra? Xin chia sẻ với các cha mẹ trải nghiệm của chính mình – thật sự là một cuộc đấu tranh vật lộn bản thân trong từng việc rất nhỏ, rất đời thường để có thể chuyển hóa từ “gắn bó” tới “tách rời”.


Đầu tiên là cảm giác bị mất mát (về tình cảm và về vai trò): từ khi bọn trẻ còn bé cả nhà mình luôn có những buổi cùng nhau làm chung một việc gì đó như xem phim hài, xếp lego, đi bơi hay đánh cầu lông. Thường là mình quy định cuối tuần sẽ xem chung một bộ phim. Nhưng đến khi 2 đứa trẻ bước vào lớp 7 thì chúng bắt đầu không muốn xem với mẹ nữa. Cô con gái sẽ thích những bộ phim công chúa, cậu con trai thì thích phim hoạt hình kinh dị - chúng nó không những không xem được với nhau mà cũng không muốn mẹ xem cùng chúng nó nữa luôn. Để “níu kéo” mình chấp nhận ngồi xem những bộ phim mà chúng nó chọn, cũng bình phẩm, cũng hào hứng nhưng …chẳng được lâu. Chúng bắt đầu thích ngồi enjoy một mình như kiểu tìm một góc riêng tư để “chỉ mình ta với ta”. Vậy là bà mẹ này chả còn chỗ nào để chen vào cả, chỉ còn cách đứng từ xa quan sát chúng nó mà thôi. Càng quan sát lại càng thấy lo vì cô con gái thì đâu có xem phim kinh điển mà sẵn internet lại lướt istagram đủ các kiểu ăn uống, váy áo, nhảy nhót, trêu chọc nhau để cười khúc khích một mình. Cậu con trai lại cắm mũi vào youtube để xem review đủ các loại. Và thế là lại cấm đoán, lại giới hạn, lại nhắc nhở… thế rồi lại căng thẳng, lại mâu thuẫn và cơ hội để 3 mẹ con ngồi với nhau lại càng ít hơn, thưa hơn.


Cảm giác bạn bị gạt ra ngoài khỏi cuộc chơi: khi đứa con trai của mình 12 tuổi mình có tuyên bố hùng hồn rằng “con được tự quản lý tiền lì xì Tết năm nay nhé với điều kiện con chỉ được tiêu 1/10 số tiền đó còn lại sẽ phải tiết kiệm”. Cho đến một ngày cô chủ nhiệm gọi mình lên họp cùng với phụ huynh của 1 bạn trong lớp. Vấn đề là cậu con trai của mình đã dùng tiền lì xì mua truyện và mang cho các bạn trong lớp thuê. Cậu bạn này thuê rất nhiều và thường lấy tiền ăn sáng để trả, trong đó có cả tiền phạt trả muộn, tiền làm hỏng sách v.v… Câu hỏi đầu tiên đến với mình khi biết sự việc này là: Tại sao mình lại không biết một chút gì về “dự án kinh doanh” này của thằng bé? Tại sao nó sử dụng số tiền mẹ cho mà không hỏi mình? Nó thiếu thốn gì mà lại cần kiếm tiền đến như vậy v.v…Trong cuộc tra khảo kèm mắng mỏ sau đó ở nhà mình còn ngã ngửa ra khi nó “quy tội” cho mẹ: số tiền đó con đã được giao quyền quản lý, con không vi phạm nguyên tắc của mẹ (tiêu 1/10 và tiết kiệm thậm chí còn làm sinh sôi), cho thuê truyện không vi phạm, không bị ngăn cấm ở lớp, bạn sử dụng tiền ăn sáng là do lỗi của bạn và do gia đình bạn ko quản lý tốt chứ không phải do con”. Nó còn nói thẳng: mẹ có chia sẻ kế hoạch kinh doanh của mẹ với ông bà không? Nếu con nói với mẹ về kế hoạch của con thì mẹ có ủng hộ không? Con muốn tự mình kiếm ra tiền. Vậy là bà mẹ này hiểu rằng mình đã không còn trong trò chơi của con nữa, có những không gian mình không thể bước vào nếu con không đồng ý.


Cảm giác mình mất quyền kiểm soát và ra quyết định: Tết 2023 mình đưa 2 con về thăm ông bà ngoại với mong ước tổ chức 1 chuyến đi lên miền núi để thăm lại 1 ân nhân của ông ngoại cách đây 30 năm. Ước nguyện của ông trong nhiều năm sau khi nghỉ hưu là được quay lại đây thăm hỏi gia đình người dân tộc Thái đen và tới nơi ông đã từng dựng lều làm lán trại để nghiên cứu thăm dò địa chất trên đỉnh núi. Cuộc gặp gỡ dưới chân núi rất cảm động và tất nhiên vô cùng rôm rả. Sau đó 1 người con của gia đình Thái đen đưa cả nhà tôi lên rừng tìm đường lên đỉnh núi, nơi cha tôi và các đồng đội đã làm việc. Ban đầu 2 đứa trẻ cũng tò mò, háo hức đi nhưng rồi càng vào rừng chúng càng thấy nản vì leo trèo, đường trơn trượt, đỉa bâu, mưa ướt. Tôi vừa hỗ trợ con đi vừa động viên, vừa ép buộc với suy nghĩ rằng: cần để bọn trẻ phải nỗ lực, không nên bỏ cuộc giữa chừng. Nhưng rồi khi người dẫn đường báo là còn 1 đoạn đường cuối cùng nữa là đến nơi thì cô con gái của tôi nhất quyết không đi nữa. Nó khóc lóc thảm thiết và chấp nhận ngồi lại đó một mình nếu mẹ và ông bà quyết tâm đi nữa. Bỏ con lại một mình thì không thể mà để ông bà quay về thì thật đáng tiếc bởi ông đã rất mong đợi cuộc “hội ngộ” này. Nhưng khi con gái gào lên giữa rừng “con không muốn đi và con có quyền quyết định vì sự an toàn của mình” thì mình như sực tỉnh. Cả nhà đã quay lại xuống núi và tất nhiên cô con gái của mình bị mẹ mắng tơi bời vì “không biết nghĩ đến người khác”. Nhưng rốt cục mình không thể áp đặt được, không thể quyết định được.


Cảm giác biết mà không thể làm gì được: để con có thể độc lập, tự chủ thì làm mẹ luôn phải dìm cái “kinh nghiệm” của mình xuống mặc dù lúc nào nó cũng trực chồi lên để chỉ dẫn và khuyên bảo. Con trai vào lớp 8 sau nhiều lần bày tỏ đã quyết định nghỉ học thêm toán của Thầy N – một thầy giáo rất tâm huyết với nghề, không chỉ dạy kiến thức mà còn luôn quan tâm chỉ bảo, rèn rũa bọn tuổi teen. Lý do là cách dạy của Thầy không khớp với chương trình dạy toán ở lớp và con chọn học thêm toán cô ở trường. Mình đã nói với con về sự chuẩn bị cho kỳ thi vào cấp III cần dài hơi như thế nào, các điểm số kiểm tra ở trường là do kiến thức của con chứ không nên do học thêm cô mà biết trước, sự thay đổi giữa dòng dễ dẫn đến chuệch choạc và mất đà để ôn thi vào cấp III v.v… Nhưng cậu con trai vẫn quyết định về học cô ở lớp. Trong 2 tháng học, cô giáo toán ở trường 2 lần tuyên bố không dạy thêm nữa làm cả lớp lao đao. Bên cạnh đó, rất nhiều học sinh trong lớp trong đó có cả cậu con trai mình đều phản ánh là cô toán sắp về hưu nên không thích dạy, sức khỏe không tốt nên cô rất khó tính với bọn trẻ … và thế là chủ để mà bọn trẻ nói về cô chả liên quan gì đến toán. Kết thúc học kỳ I, cậu con trai nói với mình “mẹ tìm cho con cô giáo gia sư toán được không?”. Tất nhiên là tôi đã biết trước, đã tìm trước và tôi chỉ còn chờ anh thấy được “hậu quả” để tôi còn giúp anh “quay ngựa” – may mà còn kịp.      


Cám ơn bạn vẫn còn kiên trì để đọc tới những dòng này nhưng KIÊN TRÌ là cần thiết lắm lắm để chúng ta có thể đồng hành và kết nối với con, kể cả khi chúng ta phải nỗ lực để tách rời. Các bạn có thấy rằng “tách rời” chỉ thực sự có khi:

  • Cha mẹ ghi nhận sự trưởng thành, độc lập của con, giống như bạn tự hào nhìn con bướm bay ra khỏi cái kén để đến với thế giới rộng lớn ngoài kia.

  • Trong mọi tương tác và dạy dỗ con ở tuổi trưởng thành chúng ta không “ôm” bất kỳ một động cơ nào để níu kéo tình cảm, để gia tăng ảnh hưởng của mình, để đặt ra những kỳ vọng của bản thân mình đối với con. Như vậy mối quan hệ sẽ rất nhẹ nhàng, sự tách rời cũng rất êm dịu.

  • Chúng ta không thể ôm con đến đặt ở các cột mốc của một hành trình đua xe để nói rằng con tôi đã biết đi xe, con tôi đã có trải nghiệm đua xe. Hãy là người bên đường cổ vũ và ghi nhận những cú ngã, cú cua, những lúc hỏng xe, những thất bại, những niềm vui của con trên hành trình đó.

  • Nếu nhìn vào sự tiến bộ của con ở mỗi chặng đua xe đó, sau mỗi cuộc đua như thế chứ không phải là cái cúp thắng thua hay những cột mốc mà cha mẹ kỳ vọng thì cha mẹ sẽ chỉ thấy những niềm vui, sự lạc quan và tin tưởng thay vì những cảm giác như trên của tôi.


Chúc cho mỗi người làm cha, làm mẹ cũng sẽ trưởng thành cùng con để tách rời không phải là những trải nghiệm đau đớn, mất mát mà trái lại thật ý nghĩa và đáng nhớ.   


Comments


bottom of page