Có rất nhiều khái niệm về phương pháp nuôi dạy con như: làm cha mẹ tích cực, cha mẹ tỉnh thức, cha mẹ kết nối … Tựu chung lại đều hướng đến xây dựng mối quan hệ tích cực và gắn bó giữa cha mẹ và con cái để nuôi dưỡng tình yêu thương, sự tin tưởng và thấu hiểu lẫn nhau. Chỉ cần search chưa đầy 0.03 giây từ khóa “cha mẹ mất kết nối với con” đã ra hơn 53 triệu kết quả tìm kiếm. Có vẻ như công nghệ càng phát triển nhanh thì sự kết nối giữa con người với con người lại càng lỏng lẻo. Làm cha mẹ ai cũng muốn tạo dựng được sự gắn bó với con cái, ai cũng hiểu rằng mình phải kết nối với con. Nhưng kết nối như thế nào?
Trước tiên cần hiểu thế nào là Cha mẹ kết nối?
Khái niệm “làm cha mẹ” đến từ các nước phương Tây và có 2 phương pháp là “attachment parenting” (cha mẹ gắn bó) và “connection parenting” (cha mẹ kết nối).
Cha mẹ gắn bó hướng đến xây dựng sự kết nối về cơ thể vật lý để tạo ra những trải nghiệm về cảm xúc trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Phương pháp này khuyến khích việc gần gũi, vỗ về, ôm ấp, vuốt ve, nuôi con bằng sữa mẹ, ngủ cùng con v.v… để xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa em bé và cha mẹ. Cũng giống như khi ta sống với ai đó một thời gian khi đi xa sẽ nhớ vậy.
Cha mẹ kết nối là cách chúng ta ứng xử trong mối quan hệ với con – đó là khả năng chúng ta hiểu được người khác và biết cách bày tỏ được mình với người khác. Đâu là điều quan trọng với con? Con quan tâm đến điều gì? Con thực sự đang cần gì ở mình? Mình sẽ nói với con về vấn đề này như thế nào? Mình sẽ làm sao để bày tỏ được với con? … Khi đã có được sự kết nối thì mọi vấn đề sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Kết nối tạo nên những cảm xúc tích cực cho cả cha mẹ và con cái
Khi mất kết nối với con chúng ta cảm thấy như thế nào? Có phải là buồn khổ, thất vọng, là thấy mình không phải là bậc cha mẹ như mong muốn? Cảm giác đó thật là tiêu cực đúng không nào. Nhưng khi thực hành kỹ năng kết nối bạn sẽ thấy mình tốt hơn với tư cách là cha mẹ và mình cũng giúp con cảm thấy tốt hơn. Những cảm xúc và hành vi tích cực được kích hoạt:
Khi lắng nghe con bạn sẽ thấy mình là người tôn trọng
Khi nói với con những lời nói yêu thương bạn sẽ thấy mình bao dung
Khi để con chia sẻ bạn sẽ thấy mình là người đáng tin cậy
Khi cùng con trao đổi bạn sẽ thấy hạnh phúc của sự sẻ chia
Làm sao để tạo nên những khoảnh khắc kết nối?
Đây là giải pháp nhanh cho những khoảnh khắc mà cha mẹ phải đối diện với những xung đột, mâu thuẫn trong quan hệ với con cái. Thay vì chúng ta phản ứng ngay, hãy áp dụng những biện pháp sau để tạo nên sự kết nối trước khi điều chỉnh/xử lý vấn đề. Đây được gọi là phương pháp Kết nối trước khi Điều chỉnh (Connect before Correct).
1. Hãy kiểm soát cảm xúc của cha mẹ trước:
Hít thở sâu
Thả lỏng vai, quai hàm hay bất cứ bộ phận cơ thể nào đang chứa đựng sự căng thẳng hay cảm xúc của bạn lúc này
Nhấp một vài ngụm nước
Nhận thức rằng khuôn mặt của bạn đang căng thẳng và hãy làm dịu khuôn mặt của mình xuống
Nhận thức được giọng nói, cử chỉ, hình thể của mình và hãy làm dịu, thư giãn các cử chỉ đó lại
Điều tuyệt vời là khi kết nối thì sự đồng bộ sẽ xảy ra – đó là khi bộ não của chúng ta phản ánh trạng thái, cảm xúc của người khác. Nghĩa là khi cha mẹ bình tĩnh, thư giãn và xoa dịu cơ thể của mình thì bộ não của con sẽ nhận ra những tín hiệu đó và chúng sẽ bắt chước những gì chúng ta đang làm. Từ sự đối đầu, phản kháng trẻ sẽ bình tĩnh và xoa dịu. Thật vậy đó!
2. Thực hành sự đồng cảm
Hãy chú ý quan sát con để nhận ra những bất thường và hình dung về thế giới của con. Bạn có thể hình dung đúng, có thể hình dung sai. Nhưng biểu lộ sự đồng cảm đổi khỉ cần sự im lặng.
Sau đó hãy dành cho con 1 cử chỉ của sự yêu thương, trìu mến như 1 cái ôm, vỗ vai, ngồi xích lại gần hay chỉ là 1 nụ cười ấm áp.
Hãy giúp con giải tỏa và từng bước bộc lộ vấn đề của mình: Mẹ thấy có gì đó không ổn? Con có mệt không? Buổi tiệc sinh nhật tối nay thế nào con? …
Hãy nói để con biết rằng bạn đang hiểu những cảm xúc bên trong của con: Mẹ cũng đã có những cảm giác giống con khi ….; bố rất hiểu lý do vì sao con làm như vậy; có lẽ ai trong hoàn cảnh đó cũng sẽ có cảm giác giống con …
Hãy kiên nhẫn, đừng hối thúc, dồn ép con bày tỏ. Chỉ cần trước mặt con là một người thân biết lắng nghe, thể hiện sự tôn trọng và đồng cảm là con sẽ tiếp tục kết nối để chia sẻ.
Chỉ với 2 bước đơn giản như vậy cha mẹ có thể tạo được sự kết nối với con trước khi tiến đến việc khuyên bảo, điều chỉnh hay dạy dỗ hành vi của con. Hãy kết nối trước bạn sẽ thấy kết quả rất khác biệt !
Comentarios