top of page

#6. Nên xác định ý tưởng làm dự án như thế nào?

Updated: Jan 14


Project Insight 6

1. Làm rõ ý tưởng

  • Thường bạn sẽ có 1 ý tưởng và nó sẽ trả lời cho câu hỏi cái gì (what) -> đừng chỉ tập trung vào ý nghĩa mà hãy mô tả nó càng rõ càng tốt. Đó là một sản phẩm công nghệ hay một dịch vụ tư vấn, nó sẽ thuộc lĩnh vực nông nghiệp hay chăm sóc sức khỏe, là trọn gói hay tham gia vào chuỗi …

  • Dự án đem lại giá trị cho những ai? Tại sao họ lại cần những giá trị đó? Câu hỏi này bạn viết ra từ trải nghiệm và cảm nhận của bạn.

  • Kết quả mà dự án này sẽ đạt được là gì? Sản phẩm của dự án sẽ trông như thế nào nếu dự án thành công?

  • Cuối cùng bạn cần trả lời câu hỏi Why (vì sao) - Vì sao bạn muốn thực hiện ý tưởng đó? Vì muốn thí điểm một ý tưởng, nắm bắt một cơ hội, tìm kiếm một hướng đi hay muốn tạo ra thu nhập v.v… Phải rất trung thực với bản thân mình để trả lời câu hỏi này ra trên giấy.

2. Reflect ý tưởng đó với bên ngoài:

  • Là quá trình bạn nghiên cứu, xác định nhu cầu trên thị trường -> từ đó phát hiện ra những khoảng trống nào, nỗi đau nào mà dự án muốn nhảy vào giải quyết.

  • Tìm kiếm những nơi nào đã hoặc đang làm những hoạt động đó hoặc tương tự như thế -> xem họ làm như thế nào? vì sao thành công ? vì sao thất bại? Họ có điểm gì giống và khác ý tưởng của mình.

  • Những ai là đối tượng khách hàng của bạn? Họ có những nỗi đau nào? Hãy so sánh câu trả lời này với câu trả lời ở phần 1 để xem đâu là điều mà bạn thực sự có thể giải quyết được cho khách hàng.

  • Giải pháp đó sẽ đáp ứng cho số đông hay chỉ giới hạn ở những trường hợp cá biệt, riêng lẻ?

3. Reflect ý tưởng đó với bên trong

  • Là quá trình bạn tìm sự phù hợp với thế mạnh, giá trị cốt lõi của bản thân. Hãy thực hiện bước số 3 này giống như bạn đang làm quy hoạch khu vườn trước khi bạn định trồng một vài cái cây vậy. Hoặc là bạn sẽ mất thời gian quy hoạch trước hoặc là bạn sẽ mất thời gian để nhổ cây đi và trồng lại.

  • Hãy suy nghĩ dự án đó nếu thành công nó sẽ mang lại giá trị gì? cho ai? Giá trị đó có ý nghĩa gì đối với bạn? Giá trị đó phù hợp hay có gì mâu thuẫn với giá trị sống của bạn không?

Năm 2017 mình có điều phối cho 1 diễn đàn nhằm vận động chính sách đầu tư cho các FDI. Thời điểm đó mình luôn có cảm giác bất an khi cứ phải bênh vực cho các DN nước ngoài và chả có cơ hội nào cho các DN Việt Nam. Sau này mình mới hiểu công việc đó không trùng với giá trị cốt lõi của bản thân bởi mình thích được đóng góp cho những gì thuộc về Việt Nam: văn hóa Việt, doanh nghiệp Việt hơn là chỉ cần 1 công việc với công ty nước ngoài để có lương cao.

  • Ở phần 1 bạn đã trả lời câu hỏi Why để xác định lý do thực hiện dự án. Điều này sẽ giúp bạn có những kỳ vọng đúng, từ đó có cách triển khai đúng. Tuy nhiên bạn cần phải reflect sâu hơn nữa vào bên trong để tìm ra đúng động lực thực sự của việc thực hiện dự án này. Điều này sẽ giúp bạn hình dung được lộ trình xa hơn của dự án hoặc nhận biết dự án này sẽ ở đâu trên cả hành trình sự nghiệp của bạn.

Hãy xem xét cách đi sâu hơn bằng câu hỏi Why của chính mình về dự án Project Insight:

Why 1: vì sao bạn thực hiện dự án Project Insight? -> để chia sẻ những hiểu biết, kinh nghiệm của mình giúp ích cho các bạn trẻ làm dự án

Why 2: tại sao bạn lại tập trung vào thấu hiểu dự án mà không phải là những giá trị khác? -> bởi đó là thế mạnh của mình và nó khác biệt so với nhiều dự án khác. Mình nhận thấy có rất nhiều công cụ giúp nâng cao kỹ năng viết dự án, quản lý dự án hoặc là cách xây dựng ý tưởng v.v… Đó là phần cứng (Hardware), còn mình muốn nói đến phần mềm (Software) trong năng lực xây dựng và vận hành dự án. Đặc biệt software đó phải tích hợp giữa giá trị dự án đem lại cho khách hàng/cộng đồng với giá trị cốt lõi của bản thân bạn.

Why 3: bạn có thể giữ điều này cho mình, cho đồng nghiệp của mình. Tại sao lại phải chia sẻ cho cộng đồng? -> mình thử nghiệm kinh doanh với chuyên môn của mình & cũng muốn tạo ra giá trị cho cộng đồng.

Why 4: Tại sao bạn muốn kinh doanh với dự án này? -> tôi muốn mình được làm chuyên môn một cách độc lập và tạo ra thu nhập từ chuyên môn đó.

👉 Why 4 chính là động lực của tôi được đào lên sau rất nhiều câu hỏi Tại sao

  • Để cẩn thận hơn bạn nên soi chiếu lại thành công thường đến với bạn ở những công việc nào, tình huống nào, cách thức nào bạn đã làm. Dự án này có điểm gì thuộc mô tuýp mà bạn đã làm thành công hoặc thực hiện một cách dễ dàng ko?

Cũng với ví dụ trên, tôi chưa bao giờ tự kinh doanh và lại càng chưa bao giờ lôi những hiểu biết về dự án của mình ra để kinh doanh. Tuy nhiên tôi thấy có mấy điểm lợi thế sau:

-> Tôi tích lũy khá nhiều những kiến thức cũng như trải nghiệm từ làm dự án, quản lý dự án và tư vấn người khác làm dự án

-> Phân tích, tổng hợp và tìm ra những vấn đề bản chất, cốt lõi là thế mạnh của tôi

-> Tôi không giỏi về kinh doanh với các sản phẩm hữu hình nhưng lại rất hứng thú với những sản phẩm tri thức

-> Tôi được đánh giá cao ở năng lực viết lách và tư vấn hơn là đi giao tiếp và network

  • Cuối cùng hãy thử đặt câu hỏi: Nếu không làm dự án này thì bạn sẽ cảm thấy như thế nào? Nếu không thực hiện ý tưởng này thì bạn sẽ làm ý tưởng nào khác không? Trả lời câu hỏi này bạn sẽ giúp bạn có cam kết rõ ràng hơn. Bạn sẽ nhìn thấy vị trí của dự án này trên cả hành trình mà bạn muốn đi về phía trước. Tầm nhìn của bạn chắc chắn sẽ xa hơn.

Comments


bottom of page