Khi trẻ nhỏ, mọi sinh hoạt của đứa trẻ phụ thuộc vào người chăm sóc (cha mẹ). Chính vì vậy sự kết nối diễn ra tự nhiên và cần thiết. Chỉ có ở bên cạnh cha mẹ đứa trẻ mới cảm thấy an toàn, thoải mái và, ngược lại, tình mẫu tử hay sự gắn bó khăng khít hàng ngày cũng khiến cho cha mẹ luôn có nhu cầu được gần gũi và gắn bó với đứa trẻ. Sự kết nối đó sâu sắc đến nỗi dần dần trở thành sự sở hữu – mẹ nói con phải nghe!
Tuy nhiên đứa trẻ không phải là búp bê ngồi mãi trong góc tủ. Chúng lớn lên theo năm tháng và như một quy luật tự nhiên chúng cũng mở rộng dần sự kết nối của mình ra với xung quanh. Từ cha mẹ đến họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp và ngoài xã hội, sợi dây kết nối với gia đình buộc phải nới lỏng dần ra để đón nhận thêm nhiều mối quan hệ mới. Nhưng thử hỏi có bao nhiêu cha mẹ “buông” được sợi dây ấy ra? Hay là chúng ta vẫn lục vấn con ăn gì, con tắm chưa, sao về muộn thế, con phải nghe mẹ v.v…
Cha mẹ dạy con tập đi đều biết nếu chúng ta cứ bế trẻ trên tay thì làm sao nó biết đi được. Đứa trẻ cần có 1 không gian (space) nhất định để xoay sở và bước đi. Tương tự như vậy, trẻ lớn dần lên sẽ cần 1 không gian cá nhân (personal space) để được nghĩ và làm theo cách của mình. Nhưng thay vì được lựa chọn, được quyết định cho bản thân mình, trẻ phải ngoan ngoãn làm theo lựa chọn và quyết định của cha mẹ. Từ đó mà mất kết nối, từ đó mà dẫn đến mâu thuẫn cha mẹ với con cái.
Cha mẹ nào cũng có lý do để nói rằng mình làm như vậy là vì con. Nhưng nếu xét cho cùng thì có thực là vì con không? Cha mẹ ai cũng mong con hạnh phúc, mong con vui vẻ vậy tại sao chúng ta lại ép con những điều chúng không muốn, bắt chúng làm những thứ chúng không chọn? Chúng có thể thành công với những ước mơ, mong muốn của cha mẹ nhưng chúng là những đứa trẻ thất bại trong thực hiện ước mơ của chính mình. Như vậy chúng có hạnh phúc không? Như vậy cha mẹ chúng ta có hạnh phúc không?
Giáo dục làm cha mẹ (parenting education) ở Việt Nam không bắt buộc và cũng không được tổ chức một cách có hệ thống. Vì thế rất khó để cha mẹ Việt có được kiến thức nền tảng và phương pháp tiếp cận đúng khi nuôi dạy con, nhất là trong bối cảnh bùng nổ và nhiễu loạn về thông tin như hiện nay. Không chỉ thiếu kiến thức mà bản thân cha mẹ cũng không theo kịp sự phát triển của trẻ, đặc biệt là sự phát triển về cảm xúc. Nhiều cha mẹ không đủ năng lực để cảm nhận được tâm tư, tình cảm của đứa trẻ, không đủ sư tinh tế để nhận ra những thay đổi trong cảm xúc, tâm lý của con. Vì vậy trẻ không cảm nhận được sự gần gũi, an toàn và sẽ mất dần sự kết nối.
Sự kết nối không thể là buộc cho chặt bởi khi đã thắt nút thì chúng ta sẽ làm đau lẫn nhau và càng kéo thì càng có nguy cơ đứt.
Commentaires