
1. Trẻ sơ sinh (từ 0-18 tháng tuổi): chơi bằng cơ thể
Hầu hết các tế bào thần kinh đều đã hình thành khi trẻ sinh ra nhưng phần lớn chưa được liên kết lại với nhau. Từ 0-18 tháng là giai đoạn phát triển nhanh nhất của các tế bào thần kinh, đặc biệt là vùng não liên quan đến cảm giác vận động, thị giác và thùy trán (nơi kiểm soát các chức năng nhận thức quan trọng của con người như biểu hiện cảm xúc, giải quyết vấn đề, trí nhớ, ngôn ngữ …).
Trong giai đoạn này chơi chính là cách thức để phát triển não bộ. Trẻ tìm hiểu về thế giới xung quanh thông qua việc nghe các âm thanh, nhìn các đồ chơi mầu sắc, cầm chạm các đồ vật, đưa vào mồm để cảm nhận v.v… Lớn thêm một chút trẻ khám phá mối liên hệ, tác động của sự vật qua các trò chơi ném bóng để bóng lăn ra và trở về, đập tay vào đàn sẽ phát ra âm thanh, đập tay vào nước sẽ thấy nước bắn lên … Đó đều là những bài học mà não của trẻ đang phải tư duy và các kỹ năng vận động đang dần hình thành từ cầm nắm, ném, bò, ngồi, giữ cho cơ thể thăng bằng …
Trẻ sẽ dùng cơ thể của mình để học hỏi và tương tác nên rất cần những cái vuốt ve, ôm ấp, thơm và chạm vào cơ thể của trẻ một cách dịu dàng. Trẻ thích các đồ chơi có mầu sắc, âm thanh nhưng sẽ còn thích hơn nếu có cha mẹ ở bên nói chuyện, giúp trẻ có cảm giác yên tâm khi trải nghiệm những đồ chơi đó.
2. Trẻ tập đi (từ 18 tháng đến 3 tuổi): chơi bằng hoạt động
Hệ thống thần kinh phát triển mạnh mẽ với mật độ kết nối gấp đôi so với não người trưởng thành (sau này sẽ loại bỏ bớt). Cấu trúc não giai đoạn này nhạy cảm với ngôn ngữ và phát triển phản ứng cảm xúc xã hội của trẻ. Chính bởi vậy, trẻ ở tuổi tập đi thích tập nói bằng cách bắt chước, bị cuốn hút bởi những trò chơi hoạt động. Trẻ lứa tuổi này cũng có những biểu hiện bất thường, gay gắt khi cảm xúc đang hình thành (khủng hoảng tuổi lên 3).
Trẻ sẽ không thích ngồi yên mà luôn chân, luôn tay, thích được hoạt động như chạy, nhảy, leo trèo. Đó không chỉ là đặc điểm lứa tuổi mà đó còn là cơ hội để trẻ hoàn thiện các kỹ năng vận động, phát triển cơ bắp đủ khỏe để giai đoạn sau trẻ sẽ vững vàng vận động mà không cần đến người lớn đỡ hay dắt nữa. Bởi vậy cha mẹ xin đừng bắt con “ngồi im”.
Sự liên kết mạnh mẽ của hệ thống thần kinh khiến trẻ giai đoạn này rất tò mò và muốn được thử nghiệm. Bởi vậy các trò chơi tháo lắp, xếp hình khối hay phát ra các âm thanh, tạo ra các chuyển động rất hấp dẫn đối với trẻ tập đi. Sự khám phá ấy sẽ thú vị hơn, hiệu quả hơn nếu có người lớn khích lệ, gợi mở và trợ giúp khi cần thiết giúp trẻ trải nghiệm những thứ mới mẻ và tận hưởng niềm vui với sự khám phá đó.
3. Trẻ mẫu giáo (3 đến 6 tuổi): chơi với trí tưởng tượng
Đây là giai đoạn phát triển nhanh nhất của mạng lưới dây thần kinh thùy trước. Tốc độ xử lý, khả năng ghi nhớ và giải quyết vấn đề của trẻ gia tăng, kết hợp với khả năng vận động tốt hơn và được hỗ trợ bởi ngôn ngữ đã góp phần làm cho giai đoạn này có những trải nghiệm rất tuyệt vời với trẻ mà như một số người vẫn nói là “tuổi thần tiên”.
Trẻ lứa tuổi này rất thích các trò chơi tưởng tượng, đóng vai như làm mẹ của búp bê, làm lính cứu hỏa, bác sĩ khám bệnh cho thú cưng … Những đồ chơi theo bộ và đa năng sẽ hấp dẫn trẻ hơn như bộ đồ hàng, hộp dụng cụ sửa chữa, bộ quần áo trang điểm cho búp bê v.v… bởi giúp trẻ phát huy được trí tưởng tượng, sự sáng tạo và khám phá theo cách của mình.
Bật mí cho các cha mẹ là chính các vật dụng đơn giản giúp trẻ gia tăng trí tượng tưởng và khả năng học hỏi hơn nhiều so với các đồ chơi đắt tiền. Những hộp giấy carton tạo cho trẻ nhiều không gian sáng tạo hơn 1 nhà bóng. Những con rối tay có thể tạo ra vô vàn câu chuyện so với 1 cái ô tô chạy pin … Hãy để trẻ chơi theo cách của mình.
Trẻ mầm non bắt đầu bước ra khỏi vòng tay của cha mẹ, hòa nhập với trường lớp, bạn bè và những người ngoài. Trẻ sẽ học cách tương tác và ứng xử với mọi người xung quanh. Nhưng cha mẹ đừng nghĩ rằng những quy định hay trừng phạt sẽ hiệu quả. Ngược lại, dạy trẻ qua hoạt động chơi mới là cách giáo dục tốt nhất. Từ cách nói chuyện với một con gấu bông, ứng xử với con búp bê hay cách chơi với 1 chiếc ô tô sẽ dạy trẻ cách yêu thiên nhiên, tôn trọng người khác hay tuân tủ luật giao thông. Vấn đề là cha mẹ có thời gian không và có để cho trí tưởng tượng của mình hòa cùng với trò chơi của trẻ không.
4. Trẻ tiểu học (từ 6-9 tuổi): có những thói quen & sở thích riêng
Hệ thống thần kinh điều kiển vận động và cảm giác đã phát triển ổn định – quá trình loại bỏ bớt các khớp kết nối neuron thần kinh bắt đầu. Trẻ bớt “tăng động” như ở giai đoạn trước mà đã có khả năng tập trung tốt hơn, biết cách kiềm chế hơn.
Đây là giai đoạn trẻ muốn gia tăng trải nghiệm với những kỹ năng, hiểu biết của mình. Có trẻ sẽ thích chơi mãi một trò chơi, chỉ đi đôi dép này mà không đi cái kia, thích thử thách trí tuệ của mình với những câu đố, ghép hình hay các trò chơi có luật lệ (bịt mắt bắt dê, cá sấu lên bờ, mèo đuổi chuột …).
Trẻ giai đoạn này có thể hình thành những thói quen, sở thích của riêng mình như sưu tập dây chun, côn trùng hoặc các bộ truyện tranh … Điều này giúp trẻ tìm hiểu sự vật (côn trùng hay sâu bướm), kết hợp những ý tưởng (sắp xếp và trưng bày) và kỹ năng (chăm sóc, bảo quản, trang trí …). Cha mẹ nên khích lệ những thú vui này của trẻ nhưng cũng đừng kỳ vọng nếu ở giai đoạn sau trẻ có thể sẽ chả còn ngó ngàng gì đến những bộ sưu tập đó.
Trẻ ở lứa tuổi này rất cần được kết bạn và chơi trong nhóm bạn. Cha mẹ hãy lưu ý nếu con mình không thể hòa nhập và chơi được với nhóm bạn nào – đây cũng là một thách thức và áp lực mà cha mẹ cần giúp con vượt qua để trẻ có tinh thần vui tươi, tự tin hòa nhập.