top of page

#11. Cha mẹ sẽ hỗ trợ con học tập như thế nào?

Updated: Jan 10

Cha mẹ ở Việt Nam rất quan tâm đến việc học tập của con cái. Từ những người nông dân không biết chữ đến những gia đình trí thức đều coi trọng việc học tập và cố gắng dành sự ưu tiên cho việc học hành của con cái. Vậy chúng ta nên hỗ trợ con cái học tập như thế nào?


Parent Connect 11

Qua quan sát cá nhân mình nhận thấy có 2 luồng quan điểm khá rõ nét của cha mẹ ở Việt Nam hiện nay:  

  • Một là những cha mẹ kỳ vọng nhiều vào năng lực của con, trông đợi thành tích và cho con đi học thêm lớp này lớp nọ, thi giải này giải kia. Tất nhiên một phần cũng là do cô giáo, nhà trường đặt kỳ vọng vào thành tích của học sinh nên cũng tuyển chọn, khuyến khích các em tham gia những kỳ thi này. Nhưng không thể phủ nhận rằng chính cha mẹ cũng mong đợi những thành tích đó, tự hào với những điểm số đó và có những kế hoạch tham vọng cho việc phát triển tài năng của con như du học nước này, đỗ trường top kia, sẽ theo đuổi ngành này, ngành kia …

  • Hai là những cha mẹ thể hiện tư tưởng thoải mái, tuyên bố không coi trọng thành tích học tập, khuyến khích con phát triển kỹ năng, tham gia các hoạt động xã hội. Chính vì có nhu cầu đó mà cũng hình thành những trường tư chỉ trú trọng kỹ năng, hoạt động ngoại khóa chứ không đặt nặng về kiến thức, thi cử như một số trường khác. Điều đáng nói ở kiểu cha mẹ này là họ yên tâm với việc gửi con vào một ngôi trường có cơ sở vật chất tốt, không coi trọng kết quả học tập nên hoàn toàn giao phó con cho thầy cô giáo và những hoạt động ở trường.  

Không nói đến cái nào tốt, cái nào xấu. Cũng không nói đến cái nào sẽ giúp trẻ phát triển tốt hơn, thành công hơn. Nhưng phải thừa nhận rằng cả 2 cách thức đó đều làm cho sự kết nối cha mẹ với con cái trở nên xa rời hơn. Làm sao để trẻ tự nhận thức, tự chủ động với việc học hành của mình? Làm sao để học tập giúp trẻ phát triển nhưng không tạo áp lực? Làm sao để cha  mẹ và con cái không phải là 2 chiến tuyến trên hành trình học tập của con? Đây là câu hỏi mà nhiều cha mẹ tiến bộ vẫn cố công tìm kiếm và rất khó tìm ra câu trả lời chung cho tất cả mọi người.


Nếu search tìm trên mạng internet có thể thấy vô vàn các tips hay guides hướng dẫn cha mẹ hỗ trợ con học tập từ mẫu giáo, lớp 1 cho đến tuổi teen. Tựu chung thì những lời khuyên tập trung vào những nội dung chính sau:

  • Tạo cho trẻ khả năng độc lập & thói quen tốt

  • Khuyến khích thay vì áp đặt

  • Tạo các điều kiện phù hợp để trẻ học tập

  • Giúp con vượt qua các khó khăn trong học tập


Biết vậy nhưng không dễ để thực hiện được như vậy. Không ít cha mẹ sẽ hỏi:

  • Làm thế nào để dạy trẻ trở nên độc lập? Dạy trẻ cái gì để trẻ tự lập? Đâu là ranh giới giữa kỷ luật và tự do? Khi  nào thì có thể để trẻ tự quyết? v.v…  

  • Làm sao để trẻ nghe lời duy trì những thói quen tốt? Khi trẻ nhỏ dễ duy trì nhưng khi lớn lên rất khó để yêu cầu trẻ tuân thủ? Đâu là bí kíp cho cha mẹ có con tuổi teen? Phải làm gì với sự “phá cách” của con khi bước vào tuổi trưởng thành? v.v…  

  • Làm sao để khuyến khích tạo được hiệu quả và đảm bảo được những yêu cầu của giáo dục thành tích hiện nay? Khuyến khích có tạo nên sự tự do, vô tổ chức? Khuyến khích có phá vỡ vai trò của cha mẹ đối với con cái?  

  • Có phải cha mẹ nào cũng có đủ kiến thức/phương pháp để hỗ trợ con học tập? Làm sao để cha mẹ có kỹ năng sư phạm, hiểu về tâm lý phát triển và kể cả thời gian để giúp con học tập hàng ngày?


Nếu để tìm chìa khóa cho 1 ngày, 1 tháng hay 1 năm là không thể. Cũng giống như chúng ta chăm bón 1 cái cây từ khi nó là 1 hạt mầm đến khi có quả nó là cả một hành trình với từng ngày, từng ngày nỗ lực. Niềm vui không chỉ chờ đến khi có quả ngọt mà ngay cả những phút giây cái hạt tách ra, một mầm xanh nhú lên, khi cái cây rung rinh lá vượt qua giông lốc, khô hạn hay những nụ hoa đầu tiên nở … đều là những phần thưởng vô giá cho người chăm sóc. Chúng ta vui vì ở đó có công lao, nỗ lực mình đã vun bồi. Nhiều khi chỉ cần được chứng kiến sự sống, sự vươn lên, sự hồi đáp với những yêu thương của mình là chúng ta đã hạnh phúc rồi, có phải vậy không?


Cũng như vậy, học tập là một hành trình dài và trẻ cần sự đồng hành của cha mẹ một cách liên tục, bền bỉ và đầy yêu thương. Mua sắm thật nhiều đồ chơi đắt tiền, cho con học những trường thật xịn hay đầu tư cho con mọi phương tiện tốt nhất để học hành – điều đó là chưa đủ và chưa chắc đã là thứ đứa trẻ thực sự cần. Bước chân trên hành trình dài đó, để làm quen với những điều mới mẻ, dám đối diện với những thách thức, để tự tin bước qua những khó khăn và kể cả sung sướng chia sẻ những thành tựu, sự tiến bộ, trẻ cần hơn hết 1 người bạn bước đi cùng:  

  • Là người bạn đồng hành: nếu coi việc học tập là việc của con và cha mẹ là người giám sát thì trẻ lập tức học để chống đối, để thỏa mãn yêu cầu của cha mẹ. Như thế trẻ học thụ động, học cho có hoặc là học cho cha mẹ vui thôi. Trẻ đâu còn mục đích tự thân nữa. Nhưng nếu học tập là con đường để “hai mẹ con” mình cùng khám phá, cùng tiến bộ thì lại là chuyện khác. Chỉ khi cùng đồng hành với trẻ chúng ta mới biết con phù hợp với cái gì, con cần gì, thích gì … Cũng chỉ khi có người bạn đồng hành trẻ mới cởi mở chia sẻ và trao cho chúng ta sự tin cậy.

  • Là người hỗ trợ khi con gặp khó khăn: không phải chỉ khi con về và nói rằng “con đang khó khăn” thì chúng ta mới giúp đỡ - đó là lúc con đã trải nghiệm sự thất bại rồi, con đã tổn thương rồi và có thể con đã mất đi sự tự tin rồi. Điều trẻ cần là lúc gặp những trở ngại trẻ có cha mẹ ở bên để chỉ cho chúng thấy rằng khó khăn đó là tạm thời, là thử thách để con lớn lên, là cơ hội để con tiến bộ và cha mẹ sẽ giúp trẻ tìm cách vượt qua được khó khăn đó. Mỗi lần vượt qua là một lần trẻ thêm tự tin, thêm mạnh mẽ và thêm bản lĩnh. Nếu một mình trẻ dễ bỏ cuộc, dễ chấp nhận và lần sau khi gặp những khó khăn trẻ sẽ sợ hãi. Sự tự ti, tính ỷ lại vì thế sẽ hình thành.  

  • Là người thiết lập tạo dựng thói quen: ai cũng biết thiết lập những thói quen tốt nhưng rất ít người duy trì được thói quen tốt. Nếu cha mẹ không làm gương thì làm sao những đứa trẻ có thể duy trì được thói quen đó. Không có cách nào khác là cha mẹ phải thực hành và kiên trì đưa trẻ vào những nề nếp đó. Công việc, quan hệ, bận rộn chỉ là sự bám víu để chúng ta thả lỏng bản thân mình, thoải mái cho chính mình. Nếu đã vậy chúng ta hãy dừng ngay việc đòi hỏi con cái phải có kỷ luật, phải có nề nếp v.v…

  • Là người khơi gợi cảm hứng: điều này không phải cha mẹ nào cũng biết làm nhất là cha mẹ ở Việt Nam khi chúng ta quen gò ép đứa trẻ “ngoan” là đứa trẻ “vâng lời” và cũng bởi chúng ta không biết cần phải làm thế nào để khích lệ trẻ. Một trong những kinh nghiệm của cá nhân tôi đó là cha mẹ hãy tích cực dùng câu hỏi mở thay vì những câu khẳng định/phủ định hay câu hỏi đóng (có/không). Thay vì hỏi “cuốn sách này có hay không con?” thì hãy hỏi “cuốn sách này kể về ai/cái gì thế con?”; Thay vì nhận định “sờ vào ổ điện là chảy máu đấy” hãy hỏi con “cái đó để làm gì? những ai sẽ được sờ vào nó nhỉ? điều gì sẽ xảy ra nếu mình cho ngón tay vào đó?” … Bộ não đang phát triển của trẻ sẽ được kích thích để tự tư duy, tự kết luận và tự điều chỉnh hành vi. Câu hỏi mở là một giải pháp hữu hiệu không chỉ cho trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn cũng áp dụng để khám phá bản thân và đây là 1 nguyên tắc căn bản trong coaching.  

  • Là người bạn sẻ chia để khen ngợi, động viên: trẻ nhỏ cần cha mẹ đã đành, trẻ lớn cũng cần cha mẹ đồng hành như những người bạn. Bạn bè ở lớp giúp trẻ vui đùa, học hỏi lẫn nhau thì “người bạn lớn” ở nhà là nơi trẻ gửi gắm những điều thầm kín, tìm kiếm sự chỉ dẫn cho những khó khăn, phức tạp của cuộc sống, là nơi trẻ tin cậy để dám bước đi về phía trước. Mỗi cha mẹ sẽ có cách “làm bạn” với con theo những cách khác nhau. Tuy nhiên chúng ta sẽ không trở thành “bạn” của trẻ nếu chúng ta không “hạ thấp” mình xuống để ngang bằng với trẻ. Từ lời nói, cái vỗ vai đến việc thú nhận những sai lầm của bản thân, chia sẻ cởi mở những trải nghiệm của cá nhân mình hay dẹp bỏ “quyền” làm bố mẹ để lắng nghe và tôn trọng ý kiến của con … Trẻ sẽ trân trọng và xích lại gần với chúng ta hơn và đó là cách để gia tăng sự hiểu biết, tin tưởng và kết nối. 


Comments


bottom of page