top of page

#9. Các giai đoạn khủng hoảng của trẻ từ 11-16 tuổi

Updated: Jan 10

Đây chính là giai đoạn trẻ để lại phía sau tuổi thơ ấu, bước vào tuổi thiếu niên và chuẩn bị sang tuổi trưởng thành. Những “cú lượn” của chuyến tàu siêu tốc sẽ thách thức hơn với bố mẹ nhưng chỉ cần cha mẹ có hiểu biết về đặc điểm giai đoạn này chúng ta sẽ cùng con vượt qua một cách nhẹ nhàng và được chứng kiến một hành trình kỳ diệu của con.


Parent Connect 9

11 tuổi - lay động giữa các thái cực

  • Những dấu hiệu của dậy thì làm trẻ bối rối (cao lên, béo ra, những cảm xúc chợt đến chợt đi) khiến trẻ có lúc rất tâm trạng, lúc vui lúc buồn, lúc sôi nổi lúc lại lặng lẽ.

  • Trẻ bị ảnh hưởng mạnh mẽ hơn từ bạn bè (thậm chí là áp lực giữa việc vâng lời bố mẹ ở nhà và phải trở nên ngầu với bạn ở lớp) nên trẻ có xu hướng chống lại những ảnh hưởng của cha mẹ (thức khuya, không tắm, không mặc áo ấm, không muốn mẹ xuất hiện trước bạn bè …)

  • Trẻ vẫn thừa nhận thẩm quyền của cha mẹ nhưng bắt đầu đặt câu hỏi cho thẩm quyền đó: tại sao mẹ lại cho em Bi đồ chơi của con, con muốn tự cất tiền lì xì của con cơ …

  • Trẻ đang hình thành cá tính thông qua thử nghiệm bản thân mình với các mối quan hệ nên dễ dẫn đến xung đột với người khác, đặc biệt là người thân bởi đó là nơi an toàn để trẻ thử nghiệm mà.

12 tuổi – bình tĩnh trước cơn bão

  • Trẻ đã lấy lại thăng bằng để trở nên biết điều hơn, cân bằng hơn: thích nghi với những thay đổi của cơ thể, bình tĩnh hơn với những cảm xúc lên xuống, chấp nhận thực tế xung quanh.

  • Nhận thức của trẻ sâu sắc hơn nhờ tư duy trừu tượng đã phát triển, trẻ đang tích cực học hỏi từ trải nghiệm thực tế của bản thân và mở rộng hiểu biết nhờ quan hệ bạn bè, hướng đến những người trẻ hâm mộ v.v… Cha mẹ sẽ thấy trẻ có những phát biểu về tình yêu, hôn nhân của bố mẹ, nói về giáo dục của nhà trường, phàn nàn về giao thông, ô nhiễm môi trường … như những ông/bà cụ non.

  • Biết chuộc lỗi cho những sai lầm của bản thân. Trẻ 12 tuổi nhận thức được phải – trái, biết trách nhiệm của mình và hiểu được hệ quả của những hành động sai trái. Vì vậy trẻ dễ nhận lỗi hơn. Một số trẻ có biểu hiện bên ngoài “cứng cổ” nhưng nhận thức bên trong là đã biết lỗi và tự tìm cách chuộc lỗi.

  • Nếu 11 tuổi trẻ bắt đầu biết nhìn 1 vấn đề từ nhiều góc độ và chấp nhận vùng xám (chứ không hoặc trắng hoặc đen) thì trẻ 12 tuổi biết nhìn nhận từ góc nhìn của người khác -> trẻ biết đồng cảm hơn.

13 tuổi – thu mình lại

  • Có xu hướng tự ti khi so sánh mình với các bạn đồng trang lứa: lớn nhanh hơn hoặc chậm hơn, không học giỏi bằng, không biết đánh đàn, không sành về công nghệ giống bạn … đều khiến trẻ không hài lòng về bản thân. Vì vậy trẻ thu mình lại, lặng lẽ hơn.

  • Nhạy cảm với sự phê bình, chỉ trích khi trẻ nghĩ mình là trung tâm của sự chú ý nhưng lại không có ai hiểu mình. 1 bé trai 13 tuổi sẽ luôn bị ám ảnh rằng ai cũng nhìn vào tóc mình, mụn trên mặt mình, soi chiều cao của mình, cười vào giọng nói của mình nhưng lại chẳng thể hiểu nổi vì sao mình chỉ thích ngồi trong phòng riêng, mình thích thức khuya, mình muốn tự quyết định mặc gì, ăn gì và làm gì vào lúc nào v.v…

  • Đang hình thành bản sắc của mình nên muốn tách ra khỏi sự ràng buộc của cha mẹ để tìm kiếm con đường của riêng. Trẻ trở nên thách thức các quy tắc gia đình hay nội quy nhà trường.

  • Có nhiều lúc hay cãi vã và lý luận: tư duy logic tốt hơn, biết lý lẽ và thích tranh cãi với người lớn để tìm ra công lý và bình đẳng cho những vấn đề mà trẻ thấy là quan trọng như công bằng với anh chị em hay bất công ở trường học.

14 tuổi - hòa đồng hơn

  • Trẻ hiểu biết hơn nên đã biết ghi nhận bản thân, tự tin hơn, mãn nguyện hơn. Dễ thấy trẻ 14 tuổi quan tâm nhiều hơn đến phát triển bản thân và kế hoạch dài hạn (thi trường này hay trường kia, cần học môn thể thao/nghệ thuật mình yêu thích, mình sẽ làm nghề gì nhỉ …) thay vì rầu rĩ với tóc cứng hay mụn trứng cá.

  • Nhận thức được sự khác biệt của mỗi người, hiểu được cảm nhận của người khác nên biết bao dung, hợp tác hơn. Trẻ không còn chống đối quyết liệt nữa mà đã biết cảm thông, ghi nhận hơn.

  • Trẻ hướng ngoại, thích giao du để tìm kiếm các nhóm bạn phù hợp với mình, kết bạn thân. Lúc này bạn bè không chỉ là để chơi mà còn là nơi trẻ trút bầu tâm sự, chia sẻ tâm tư thầm kín mà cha mẹ sẽ khó có thể bước chân vào.

15 tuổi – phức tạp

  • Sự phát triển thể chất, cảm xúc và nhận thức của trẻ đang thay đổi mạnh mẽ nhưng lại không đồng đều làm cho trẻ tiếp tục phải đón nhận những mâu thuẫn khi cơ thể lớn mà nhận thức lại chưa lớn. Nhưng tuổi 15 trẻ đón nhận sự thay đổi đó một cách bình thản hơn, nhẫn nại hơn thậm chí thờ ơ và dửng dưng.

  • Nhận thức và hiểu biết đã có nhiều tiến bộ nên trẻ chú ý tới chi tiết, tìm kiếm sự hoàn thiện, chính xác. Trẻ trở nên khắt khe, khó tính và đòi hỏi cao như muốn bố mẹ phải quan tâm, muốn bạn thân phải hiểu mình … Bất cứ hành vi nhỏ nào cũng dễ bị trẻ suy diễn theo những cảm nghĩ đầy mâu thuẫn và phức tạp của trẻ.

  • Trẻ 15 tuổi lao ra bên ngoài tìm kiếm các mối quan hệ bạn bè, xa rời với gia đình. Trong khi tình bạn bên ngoài dễ thay đổi còn quan hệ gia đình lại đang không phải là nơi trẻ muốn gửi gắm tâm sự. Điều này rất dễ dẫn đến những trống trải, tổn thương thậm chí là mất mát trong đời sống tinh thần và cảm xúc của trẻ, khiến trẻ ủ rũ, khép kín.

16 tuổi – tự lập, tự chủ

  • Khả năng kiểm soát đã tốt hơn: tự hài lòng với bản thân, làm chủ cảm xúc, không dễ khóc dễ cười như trước nữa, không hay lo lắng, không chỉ trích bản thân, ít tức giận.

  • Tính độc lập cao hơn: tự tính toán và lên kế hoạch, bắt đầu tự đưa ra những quyết định của mình dù vẫn tham khảo ý kiến bố mẹ hoặc nhóm bạn, ít chịu ảnh hưởng bởi bạn bè nữa, đã có những hướng đi và lựa chọn của riêng mình (từ gu ăn mặc, sở thích, thói quen, các dự định …)

  • Dấu hiệu của sự trưởng thành: chín chắn hơn, khoan dung với người khác, biết nhìn nhận quan điểm của người khác, bắt đầu ý thức sâu sắc hơn về tương lai, về hôn nhân, về thế giới …


Comments


bottom of page