Đây là bộ kỹ năng giúp cha mẹ tăng cường sự tương tác với trẻ tạo sự ấm áp, an toàn và kết nối. Bộ kỹ năng này là yêu cầu đặt ra với cha mẹ trong Giai đoạn 1 của Phương pháp PCIT – giai đoạn trẻ dẫn dắt cha mẹ trong các hoạt động tương tác. Cha mẹ được yêu cầu quan tâm một cách tích cực tới những hành vi phù hợp của trẻ để khích lệ những hành động đó. Bao gồm các kỹ năng sau:
Praise là khen ngợi trẻ gắn với một hành vi tốt cụ thể mà trẻ đã đạt được
Reflection là phản hồi với những tương tác của trẻ. Cha mẹ lắng nghe, lặp lại và nhắc lại được những ý mà trẻ nói.
Imitation là cách cha mẹ bắt chước, phản chiếu lại những hoạt động của trẻ, thể hiện cha mẹ nhiệt thành với những gì trẻ trao đổi.
Describe là mô tả, diễn giải được những gì trẻ đang chơi.
Enjoy thể hiện niềm vui thực sự, lòng nhiệt tình của cha mẹ trong tương tác với trẻ.
Khen ngợi ở đây gắn với một hành vi cụ thể, một việc mà trẻ làm tốt đáng được biểu dương ngay tại chỗ. “Con cất quần áo vào tủ là rất tốt!”, “Cám ơn con đã cầm hộ mẹ cái túi!”, “Nói từ tốn như vậy là rất tốt!” … Những câu ngợi khen như vậy rất hiệu quả bởi nó hoàn toàn không phải là những câu khen chung chung, khen xã giao động viên mà một đứa trẻ nhạy cảm đều có thể nhận ra. Điều quan trọng là lời khen gắn nhãn trẻ với 1 hành vi tốt sẽ nhắc nhớ và khích lệ trẻ tiếp tục duy trì việc làm tốt đó. Trong một lần áp dụng phương pháp này cậu con trai của mình sau khi vui sướng nhận lời cảm ơn của mẹ đã nói với mình “con không nghĩ là mẹ biết điều đó”. Hóa ra trẻ cần sự quan tâm của mình biết bao, chúng xúc động đến chừng nào khi mẹ hiểu và ghi nhận chúng. Đừng khen cho có nhé các bạn!!!
Phản hồi đơn giản là cha mẹ sẽ nhắc lại những câu nói tích cực của trẻ như lặp lại hoặc nói lại có sự thêm thắt nhưng nội dung và ý nghĩa không thay đổi so với những gì trẻ đã nói. Tất nhiên chúng ta chỉ phản hồi những gì tích cực, những hành vi, lời nói không phù hợp như chửi thề, từ lóng … hãy bỏ qua. Việc phản hồi cho thấy cha mẹ đang thực sự lắng nghe trẻ, hiểu những gì trẻ nói và chúng thấy mình quan trọng đối với cha mẹ. Việc lặp lại này sẽ giúp trẻ cải thiện khả năng nói và ngôn ngữ. Điều này đúng với cách của ông bà khi dạy mình xử lý tình huống trẻ nhỏ nói bậy – đó là hãy lờ câu nói đó của trẻ đi thay vì xoáy vào chỗ đó để răn đe, phạt và dạy dỗ trẻ. Trẻ nhỏ thực sự chưa ý thức được những câu nói này, cha mẹ đừng làm cho nghiêm trọng. Cứ trồng hoa nhiều thì cỏ dại sẽ bớt đi thôi!
Bắt chước đơn giản là cha mẹ sẽ làm những gì trẻ làm, tất nhiên không nên bắt chước những hành vi không đúng đắn như ném đồ chơi đi, đánh bạn hay nhổ nước bọt … Cha mẹ có thể tham gia cùng chơi chung với trẻ (cùng tô màu, cùng xếp lego, chơi đồ hàng) hoặc có thể thực hiện một hoạt động tương tự song song với trò chơi của trẻ (trẻ tô màu chiếc ô tô thì mẹ tô bông hoa, trẻ xếp khối gỗ thành núi thì mẹ xếp thành ngôi nhà …). Hãy để trẻ dẫn dắt và cha mẹ chỉ cần làm theo (bắt chước) – con sẽ cảm thấy mình quan trọng, mình có thể cuốn hút được người khác và con thấy vui biết bao khi trò chơi đó có người cùng chơi. Việc bắt chước là cơ hội để cha mẹ tương tác/chơi với đúng cấp độ phát triển của trẻ, từ đó cha mẹ mới có thể nhận ra con làm tốt cái gì, mạnh ở đâu, hiểu biết đến mức độ nào …
Mô tả hành vi là cha mẹ dùng lời nói mô tả lại hành động của trẻ (tất nhiên là những hành động tích cực) trong đó để trẻ ở vai chủ ngữ của câu và dùng động từ để diễn tả lại điều mà trẻ vừa mới làm. Ví dụ: “Tôm đẩy chiếc ô tô lên dốc này, sắp đến rồi, cố lên”; “Con lắp hai cái bánh xe này vào trục xe và nó sắp đi được rồi này” … Với cách tương tác như vậy cha mẹ đang khích lệ trẻ tiếp tục dẫn dắt trò chơi, giúp trẻ tập trung vào trò chơi và cho trẻ thấy là cha mẹ đang dõi theo trẻ. Với trẻ nhỏ từ 2 đến 5 tuổi phương pháp này cực kỳ hiệu quả để khích lệ trẻ tham gia.
Thích thú là sự hưởng ứng vui tươi, nhiệt tình của người lớn khi chơi/tương tác cùng với trẻ. Trẻ không thích khi người lớn chỉ đứng ngoài quan sát, chỉ dẫn, nhắc nhở, bảo vệ mà không tham gia chơi thực sự. Hơn thế nữa nếu người lớn có thể “đội cái mũ em bé” lên để chơi một cách hồn nhiên, vui tươi như một đứa trẻ thì đó là phần thưởng vô giá cho trẻ. Trẻ cảm nhận được sự ấm áp, vui vẻ của trò chơi, gia tăng lòng tự trọng và làm trò chơi trở nên hứng thú, đáng nhớ hơn rất nhiều. Hãy hình dung con bạn – một cậu bé 3 tuổi – chạy đến và khoe “bố, ô tô này”. Bạn sẽ hưởng ứng như thế nào? Sẽ vỗ về “ừ con chơi đi, chơi ngoan để bố làm việc nhé” hay biểu lộ một khuôn mặt đầy ngạc nhiên, sung sướng “ồ chiếc ô tô đẹp thế nhỉ, mình sẽ đua ô tô nhé”. Cảm nhận của con sau đó thế nào hẳn cha mẹ nào cũng rõ.
Comentarios