top of page

#2. 3 sự thật về hoạt động chơi của trẻ

Updated: Jan 10

Sự thật 1: Trẻ nhỏ đâu đã biết gì mà chơi


Chúng ta vẫn nghĩ: Trẻ nhỏ (mới sinh đến 1 tuổi) chưa hiểu ngôn ngữ, toàn ăn, ngủ và tè ị suốt ngày. Thậm chí trẻ còn chưa có khả năng vận động thì làm sao có thể tương tác được với ai, làm sao có thể chơi gì được?


Thực tế là:

  • Thai nhi 28 tuần ở trong bụng đã bắt đầu tương tác khi có những kích thích từ bên ngoài. Như khi thấy thai nhi cử động, cha mẹ có thể chạm nhẹ vào chỗ đó và đáp lại bé sẽ cử động tiếp. Đó là những biểu hiện sớm nhất của sự tương tác.

  • Khi bé bắt đầu có những âm thanh ọ ọe hay gừ gừ như nói chuyện, trẻ thường sẽ dừng lại để nghe ngóng phản hồi của người lớn rồi lại tiếp tục “nói chuyện”. Đó chính là những trải nghiệm đầu tiên của giao tiếp. Về mặt sinh học, trải nghiệm đó giúp não hình thành và phát triển, kết nối các neuron thần kinh.

  • Lớn thêm một chút sẽ thấy trẻ hay thả cho đồ chơi rơi xuống đất – bạn nhặt lên bé lại thả cho rớt. Đó là một trò chơi thú vị của trẻ 3-4 tháng tuổi khi bé nhận ra việc mình ném sẽ tạo nên những kết quả như thế nào – vật chuyển động ra xa, phát ra âm thanh, thu hút sự chú ý của cha mẹ, tạo sự tương tác với cha mẹ khi nhặt lại và trò chuyện với bé. So với việc nhìn ngắm quả bóng bay mầu sắc hay nghe cái xúc xắc treo cố định trước nôi, việc được cầm nắm và tạo ra sự chuyển động đúng là một khám phá tuyệt vời phải không?

Những lưu ý với cha mẹ:

  • Hãy tương tác với trẻ ngay từ khi còn là thai nhi trong bụng bằng cách xoa nhẹ, hát, đọc và truyện trò với bé.

  • Cho trẻ mới sinh những đồ vật để nhìn, nghe và được cầm nắm với sự giám sát của người lớn. Hãy giúp trẻ khám phá đồ chơi bằng cách để gần, để xa, để sang trái, phải, vừa trò chuyện và tạo ra những âm thanh nhẹ nhàng vui vẻ giúp trẻ enjoy trò chơi với mẹ.

  • Cha mẹ hãy lưu ý những dấu hiệu khi trẻ muốn ngừng chơi vì khả năng tập trung của trẻ thường rất ngắn và bé cần có break time để được nghỉ ngơi hoặc tìm cách thích nghi với những khám phá mới. Khi trẻ không hồi đáp với trò chơi của bạn hoặc trẻ khóc, quấy đó là lúc bạn cần dừng lại và để ý đến những nhu cầu khác của trẻ như trẻ đói, ướt tã, buồn ngủ hoặc cũng thể chỉ là trẻ muốn nghỉ ngơi cho đỡ mệt.

  • Cha mẹ hãy tranh thủ đưa tương tác và chơi vào lịch trình chăm sóc trẻ như trò chuyện khi thay tã, hát hay đọc thơ với bé khi đi ngủ, chơi ú òa lúc đi tắm … hãy tranh thủ các cơ hội để cho trẻ được tương tác.

Sự thật 2: Chơi chỉ là giải trí và vô bổ


Chúng ta vẫn nghĩ: Chơi có nghĩa là vui, giải trí, không có mục đích gì, chả học hỏi được gì. Thường chúng ta không sắp xếp lịch cho trẻ chơi mà để trẻ cứ tự chơi. Nhiều cha mẹ Việt để con tự chơi để mình còn có thời gian làm việc khác, kể cả lướt phây hay tán chuyện với bạn bè.


Thực tế là:

Parent Connect 3

Những lưu ý với cha mẹ:

  • Hãy thực sự dành thời gian để quan sát bé chơi: con đã làm thế nào để tháo được 2 miếng ghép dính vào nhau; con đã cho chiếc ô tô đi với tốc độ và cách vòng tránh như thế nào; con làm gì khi đất nặn dính vào tay; con có biết đón quả bóng khi nó lăn trở lại v.v…

  • Chỉ khi quan sát cha mẹ mới biết được bé đang phát triển ở mức độ nào, con đang nỗ lực và gặp khó khăn ở đâu. Trẻ sẽ rất cần mẹ động viên để dám tụt từ trên cầu trượt xuống hay sẽ cần người lớn chỉ dẫn việc xếp các khối gỗ sao cho không đổ. Trẻ lớn dù biết tự chơi cũng sẽ vô cùng thích thú khi người lớn đặt ra những thách thức mới, gợi sự tò mò và thúc đẩy sự phát triển của trẻ lên những nấc thang mới.

  • Nhưng người lớn cần cân đối giữa các trò chơi tự do và trò chơi có hướng dẫn. Hãy để trẻ được tự chơi và khám phá theo cách của mình. Cha mẹ chỉ là người cổ vũ và gợi mở mà thôi.


Sự thật thứ 3: Chơi chẳng giúp gì cho việc học tập, phát triển bản thân


Chúng ta vẫn nghĩ:

Trẻ không thể tự học hỏi được, trẻ cần được người lớn dạy các kiến thức và kỹ năng cần thiết, chơi tự do không có tác dụng giúp cho trẻ học hỏi, lại càng không thể giúp trẻ đạt được những chuẩn mực trong học tập, chỉ có giáo viên mới đủ khả năng cung cấp những kiến thức phát triển toàn diện.


Thực tế là:

  • Chơi là một hoạt động hoàn toàn tập trung vào trải nghiệm và không có mục đích từ trước. Nhưng chính mọi hoạt động trong quá trình trải nghiệm đó đều có mục đích: ví dụ khi cho bé chơi tô tượng cha mẹ cũng chưa hình dung là bé sẽ học được điều gì nhưng rõ ràng từ việc bé cầm được cái bút, chọn mầu sắc nào, tô vào đâu đều giúp trẻ học hỏi và phát triển hoàn toàn dựa vào khả năng của trẻ, do trẻ có nhu cầu chứ không phải là vô cớ, không có mục đích.

  • Chơi chính là hoạt động phù hợp nhất để trẻ học tập bởi như các chuyên gia đã xác định 4 yếu tố để trẻ học tập hiệu quả chính là khi: - Trẻ chủ động muốn học (không thụ động) - Trẻ được tham gia vào hoạt động học tập (nếu chỉ nghe sẽ có lúc phân tâm) - Trẻ được tương tác về mặt xã hội (với bạn, với người lớn) - Trẻ được kết nối những gì mình học với cuộc sống của chúng (thực hành, thực tế)

Những lưu ý với cha mẹ:

  • Cha mẹ không cần phải xếp đặt và điều chỉnh hoạt động chơi của trẻ nhưng quan sát và hỗ trợ trẻ là cần thiết để giúp trẻ bước lên những nấc thang mới trên chặng đường phát triển. Nghiên cứu về “Vùng phát triển gần nhất” (ZPD) của Lev Vygotsky khuyến khích cha m , giáo viên không chỉ phát hiện ra khả năng hiện tại mà còn phải nhìn thấy tiềm năng của trẻ để gợi mở và kích thích sự phát triển. Ví dụ trẻ 3 tuổi có thể đã biết phân biệt các hình khối (vuông, tròn, tam giác) nhưng cha mẹ cũng có thể phát hiện ra con mình có thể phân biệt được là hình tròn không có đỉnh nhọn – từ đó cha mẹ có thể đưa ra những gợi mở sâu hơn để dẫn dắt trẻ khám phá, kích thích trẻ tư duy và có những tìm tòi mới.

  • Cha mẹ không nên đưa ra những câu trả lời ngay cho trẻ mà hãy đặt những câu hỏi mở để thôi thúc sự tò mò, gợi mở cách vượt qua những khó khăn, tạo động lực cho trẻ như: Điều gì xảy ra nhỉ nếu mẹ mở cái nắp này? Liệu có những gì ở trong này không? Con nhìn xem có những mầu sắc nào ở đây nhỉ? Ô tô tắc ở đây rồi nó có thể đi đường nào khác không? … Khi trẻ trải nghiệm xong 1 trò chơi cha mẹ cũng có thể giúp trẻ tổng kết lại như “những khối gỗ này sẽ đổ khi nào nhỉ? Tờ giấy cho vào chậu nước thì có viết được nữa không? …

  • Cha mẹ khi dành thời gian quan sát trẻ sẽ biết được lúc nào, ở đâu người lớn có thể lồng vào những kiến thức về toán, ngôn ngữ hay thúc đẩy rèn các kỹ năng vận động hoặc phát triển cảm xúc.

Hy vọng qua những gì chúng ta phát hiện về Chơi của trẻ em ở trên, cha mẹ có thấy rằng chính chúng ta cũng cần tìm kiếm các cơ hội đi chơi (đi du lịch, đi phượt, đi café …) để gia tăng trải nghiệm và học hỏi. Với trẻ em chơi là hoạt động chính để học tập và phát triển. Hiểu được như vậy, các cha mẹ sẽ không còn phải băn khoăn về việc chơi khiến trẻ bị bẩn thỉu, khiến nhà cửa bừa bộn hay trẻ không có đồ chơi v.v… Chơi còn là cơ hội để cha mẹ và các bé tương tác, kết nối nữa nhé.


Comments


bottom of page