Năm 2017 Hội nghị thường niên Vietnam CEO Summit do VNR tổ chức mời GS. Fredmund Malik trình bày về chủ đề “Cuộc Chuyển đổi Vĩ đại Thế kỉ 21 và chiến lược của doanh nghiệp Việt Nam”. Ông cùng người bạn đồng hương của mình là Peter Drucker được coi là “cha đẻ” của quản trị hiện đại thế kỷ 20 và 21. Ông là người phát triển nhiều phương pháp và mô hình quản trị dựa trên tư duy hệ thống.
Trong số các công cụ của Malik, mình ấn tượng nhất với phương pháp Siêu đồng hợp Malik (Malik Syntegration System - MSS®). Nôm na thì đó như là 1 cuộc họp mà tất cả mọi người đều được kết nối để cùng nhau tìm ra giải pháp cho 1 vấn đề phức tạp. Siêu đồng hợp Malik® được sử dụng để tìm kiếm giải pháp cho mục tiêu chiến lược của những tập đoàn lớn. Mình thích cách của GS. Malik ví Siêu đồng hợp như một Bản giao hưởng khi nhiều nhạc cụ khác nhau cùng kết hợp để tạo nên 1 bản giao hưởng tuyệt mỹ - điều đó cho thấy sự đồng điệu, sự hợp tác, sự sáng tạo mang tính tập thể, là tổng hòa của nhiều giá trị riêng trong một nỗ lực chung, đem đến sự thăng hoa cho từng cá nhân song cũng tạo động lực cho cả tập thể.
Điều thú vị hơn cả là khi soi chiếu với phương pháp Khai vấn (Coaching) mình nhận ra có rất nhiều điểm tương đồng với phương pháp Siêu đồng hợp của GS. Malik. Xin giới thiệu với mọi người những điểm “chạm” thú vị này:
Cùng tìm kiếm giải pháp cho một mục tiêu: phiên đồng hợp xoay quanh việc trả lời Câu hỏi mở (Opening Question) và đưa ra nhiều vấn đề (6-8-12 chủ đề) để cùng soi chiếu nhằm tìm kiếm giải pháp đúng cho việc thực hiện mục tiêu. Từ 6 hay 8 chủ đề, nhiều câu hỏi được đặt ra, nhiều ý kiến được trình bày và thảo luận. Điều này cũng giống như trong coaching chúng ta đặt nhiều câu hỏi để làm sáng tỏ mục tiêu. Và mình nhận ra rằng cần soi chiếu từ nhiều góc độ (các cấp lãnh đạo và đội ngũ thực thi, mong muốn và nguồn lực, lợi thế và rào cản …) để xác định trúng vấn đề.
Cần huy động tổng hòa sức mạnh đội nhóm/tổ chức: Phương pháp Siêu đồng hợp là quá trình kết nối những thành viên trong Ban lãnh đạo, sử dụng những kỹ thuật giao tiếp, điều phối để cùng nhau tìm các giải pháp toàn diện cho vấn đề phức tạp. Đây là quá trình khai thác sức mạnh từ bên trong của đội nhóm/tổ chức. Tương tự như vậy, coaching đang được xem như là một công cụ quản trị nhân sự giúp tối ưu hóa sức mạnh từ bên trong, năng lực của nội bộ tổ chức. Kết quả của hội nghị Siêu đồng hợp là kết quả của sự bàn bạc, thống nhất tập thể, đề cao sự đồng thuận, cam kết hơn là ý chí, áp đặt của ban lãnh đạo.
Đòi hỏi sự thành thật: một phiên Siêu đồng hợp có thể thu thập ý tưởng của 50 hay vài trăm người vì vậy chỉ cần một vài người không thành thật trong chia sẻ các quan điểm, ý kiến, giải pháp thì vấn đề/chủ đề sẽ bị dẫn dắt đi theo hướng hoàn toàn khác với thực tế. Tương tự như vậy, việc trả lời những câu hỏi của coach luôn cần coachee phải thành thật với bản thân mình/nội bộ tổ chức mình nếu ko mục tiêu sẽ chệch hướng và kế hoạch hành động cũng chỉ là hình thức.
Những phát hiện mới mẻ về chính bản thân/tổ chức: không phải phiên coach nào cũng đưa đến giải pháp ngay nhưng quá trình tìm kiếm cho coachee những trải nghiệm mới mẻ khi nhận ra/hiểu ra về chính bản thân mình/tổ chức mình. Kinh nghiệm cho thấy các phiên Siêu đồng hợp đem lại cho những thành viên tham gia của đơn vị sự hào hứng và bất ngờ bởi họ hiểu ra nhiều điều về mục tiêu của tổ chức, về những vấn đề thách thức hay cơ hội, nhận ra năng lực, nhìn rõ quyết tâm để thực hiện mục tiêu đó v.v… Tất cả cho họ cảm giác mình là một phần của Tổ chức – đây là giá trị quan trọng của phương pháp Siêu đồng hợp khi cộng hưởng được sức mạnh của tập thể, và vì thế có thể giải quyết được bất kỳ vấn đề phức hợp nào đặt ra.
Kết quả không phải lúc nào cũng là những đáp án bất ngờ mà thường là chúng ta cũng đã có những mường tượng nhất định về giải pháp đó rồi. Thế nhưng, kết quả sau mỗi phiên coach hay phiên Siêu đồng hợp thường cho chúng ta cảm giác vô cùng sáng tỏ, tin tưởng và quyết tâm.
Quản trị hiện đại hướng đến phát huy sức mạnh từ bên trong, khích lệ tiềm năng của con người, xây dựng cơ chế đồng sáng tạo để đạt được hiệu suất tối đa. Các phương pháp quản trị của phương Tây đã dịch chuyển mạnh mẽ từ những công cụ cứng sang công cụ mềm. Cái đích cuối cùng vẫn là hiệu quả.
Lê Hoàng Anh
Comments